Xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang nằm trong một thung lũng nhỏ với bốn bề là đá. Những năm gần đây, cuộc sống của người Mông trong xã có nhiều thay đổi nhờ nghề dệt vải lanh truyền thống.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để làm được tấm vải lanh phải trải qua tới 41 công đoạn. Đầu tiên là tước cây lanh để lấy vỏ. Những bó vỏ lanh được cuộn chặt, cho vào cối giã cho bong hết bột, chỉ còn lại sợi dai, rồi được xe và cuộn lại thành những con sợi lớn. Sợi lanh được luộc bằng nước tro bếp vài lần, một lần luộc nước sáp ong để sợi trắng và mềm hơn. Sau đó, phụ nữ Mông sẽ dệt thành những tấm vải lanh màu trắng. Từ đây, các nghệ nhân bắt đầu tỉ mẩn vẽ họa tiết thổ cẩm nhiều màu lên tấm vải để cho ra những sản phẩm hoàn chỉnh.
 |
Các sản phẩm từ vải lanh của người Mông ở xã Lùng Tám. |
Dệt vải lanh là nghề gia truyền của nhiều gia đình người Mông ở xã Lùng Tám. Ngày trước, vải làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Vì quá trình làm ra sản phẩm hoàn toàn thủ công nên rất vất vả, năng suất không cao. Hơn nữa, do thiếu sự quan tâm biến sản phẩm thành hàng hóa khiến "cánh cửa" để vải lanh, trang phục truyền thống của đồng bào Mông xã Lùng Tám ra với thị trường rất hẹp. Bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt vải lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám chia sẻ: “Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lùng Tám, khi nhận thấy làng nghề truyền thống của cha ông có dấu hiệu bị mai một, tôi đã vận động các cơ quan, ban, ngành giúp sức để thành lập hợp tác xã. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ làm sao để nghề dệt vải lanh tồn tại, nhưng qua quá trình làm và kiên trì học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chúng tôi đã phát triển được nhiều mặt hàng mà thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu, qua đó vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con, vừa góp phần gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông”.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nghề dệt vải lanh ở xã Lùng Tám gặp nhiều khó khăn. Trong số 23 thợ lành nghề, làm việc thường xuyên tại Hợp tác xã dệt vải lanh thôn Hợp Tiến, bà Vàng Thị Mai chỉ có thể giữ lại 6 nghệ nhân cùng một số thợ khác nhận sản phẩm về nhà làm. Bà Vàng Thị Mai nói riêng, người Mông ở xã Lùng Tám nói chung rất mong chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể tiếp tục đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để một ngày không xa, vải lanh Lùng Tám trở thành mặt hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa của đồng bào Mông, đứng vững và vươn rộng ra thị trường.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỦY