Tưởng chừng như đã ở trên mây thì trời sáng hẳn. Lớp lá phong hương còn đỏ ối đã lạo xạo rơi xuống xếp thêm tầng cho thảm lá mục. Những thân cây cổ thụ phủ đầy rêu xanh xòe ra như bàn tay của thần rừng, vươn dài nắm cả dây leo to bằng con trăn trong câu chuyện kể của bà, vắt dài gần chục mét. Chị em tôi đi tìm "rồng".

Trêu nhau thế thôi chứ trên đời làm gì có con rồng nào bằng xương bằng thịt? Ở quê tôi có trà móng rồng. Loại trà chỉ có ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển và quanh năm ẩn mình với khí hậu mát mẻ.

Khi tất cả chị em than mệt, người nào người nấy đã thở bằng cả miệng, cả tai thì mặt trời nhích dần về trưa. Nắng mấy ngày nay nhàn nhã rong chơi trời phương Nam, bỏ miền Bắc một màu trời đục lờ nhờ nước vo gạo.

Thân cây chè không đếm được tuổi, màu nâu trắng hiện ra trước mặt là phần thưởng cho người đi rừng kiên trì leo lên nhận thành quả. Lá chè già xanh thẫm, to bản và dày hơn ở các cánh rừng dưới chân núi. Trong nách lá, từng búp chè móng rồng như những hạt thóc xanh hiếm có, khó tìm. Khi đưa tay hái, tôi đã thấy búp chè thoang thoảng hương thơm. Cành thấp thì vít xuống hái từng móng một thả vào túi nải, nhưng với cành cao thì chỉ có cách trèo lên cây, chặt từng cành...

 Cây trà móng rồng thường sống ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển. Ảnh: HOÀNG HIỀN

Tại sao gọi là móng rồng? Nơi cây chè mọc bốn mùa mây phủ, lại ít dấu chân người, ai cũng tưởng tượng được chỉ có nàng tiên bay đến đây chơi hoặc là chốn rồng cư ngụ. Từng búp chè nhỏ xanh cũng giống vảy ở móng vuốt con vật chỉ có trong tưởng tượng của người xưa, nhưng mang hương thanh tao của các loài cây quý trong rừng.

Có người còn gọi là trà đuôi rồng. Theo truyền thuyết từ xa xưa của người phương Đông, đứng đầu trong tứ linh là con rồng. Con rồng vừa có lại vừa không, vừa bay trên trời vừa độn dưới đất, ẩn mình trong nước, ngoài biển mênh mông. Con rồng vô trụ xứ. Trong cổ tích của người Tày, cầu vồng là hình ảnh rồng trườn lên trời để tắm. Khi ấy, nó óng ánh đủ màu sắc. Khi nó đổ nước tắm của mình xuống dưới đất thì trời vừa mây bay vừa mưa và lúc này, “rồng gặp mây” biểu tượng cho thân thể của lạc thú, còn việc biến thành nước là thân thể biến hóa...

Giở nắm cơm ăn giữa rừng, nước đựng trong ống lam cạnh gốc chè cổ thụ thấy ngon hơn vào nhà hàng gọi món. Nghỉ chừng mươi phút, không ai bảo ai, đôi tay lại tẩn mẩn nhặt từng búp mà cây chỉ ban lộc một lần. Trời nhanh tối, ở rừng càng cảm giác màn đêm đến sớm hơn gần tiếng cho nên chị em chúng tôi lựa giờ xuống núi.

Về đến nhà, tôi đổ chè ra nong cho bớt ẩm và nhờ gió hong ráo. Không cần vò, ốp qua độ nóng của lửa, cha nhẹ nhàng trải chè ra khay và cho vào tủ sấy đến khi chè khô thì đem pha thử. Nước trà móng rồng trong vắt, không đắng, không chát, ngọt hậu rất lâu. Nhâm nhi chén trà, tôi thấy hương thơm còn dư nơi cuống họng, quyện chặt trong hơi thở của mình.

Búp chè cổ thụ có hình móng rồng. Ảnh: HOÀNG HIỀN 

Trà được cất trong lọ thủy tinh, mỗi lần pha, tôi chỉ lấy ra một ít. Ở bản mấy hôm nay vang tiếng lợn kêu, mấy nhà cùng ăn đụng con lợn đen thả nuôi đã hơn một năm. Chị thì bận rộn làm lạp xưởng; chị thì ướp muối trộn thảo quả, mắc khén vào thịt thành từng xâu treo lên gác bếp; chị lại đem hầm chân giò với củ dền đỏ vừa thu hoạch cho bọn trẻ thoải mái tưởng tượng. Tôi thích thú ngắm nhìn mùa Xuân đang đến sân nhà sàn, vừa thưởng thức bánh hạt hoa dền trộn mật ong bạc hà vừa nâng chén trà móng rồng mơ màng với gió mây Tây Côn Lĩnh đang trên đường đến tay khách gần xa. Phải, trà quê tôi đã trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích!    

Tản văn của HOÀNG THỊ HIỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.