Tham dự hội thảo có đại diện: Ban giám đốc ĐHQGHN; Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội; Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng các chuyên gia khách mời, các nhà khoa học trong cả nước, các tác giả tham luận và đại biểu quan tâm tới lĩnh vực di sản.
 |
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. |
Trong lịch sử phát triển, dựng nước và đấu tranh bảo vệ đất nước lâu dài, nhân dân Việt Nam đã để lại nguồn di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Di sản được coi như là tài sản văn hóa, vô giá đối với cộng đồng, dân tộc, quốc gia và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là những vật báu mong manh khó nắm bắt và dễ mất. Vì thế việc bảo tồn, nhận diện và phát huy giá trị của chúng luôn là mối quan tâm của nhà quản lý, nhà khoa học và công chúng.
Trong bối cảnh đó, hội thảo là một sự kiện khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với công tác nghiên cứu và đào tạo về di sản. Hội thảo hội tụ những nhà khoa học đầu ngành về di sản, các chuyên gia, các nhà quản lý trung ương và địa phương, các nhà báo, đại diện cộng đồng tham dự. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung: Di sản học, lý thuyết và cách tiếp cận; bảo vệ và phát huy di sản trong phát triển; những thách thức bảo vệ và phát huy di sản trong bối cảnh đương đại; Nguồn nhân lực và giáo dục di sản.
Tham gia diễn đàn học thuật các nhà khoa học, nhà quản lý cũng trình bày, trao đổi về các khía cạnh của công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại. Những kiến thức, sự trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tế về di sản của các đại biểu góp phần phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo về di sản ở Việt Nam nói chung, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.
 |
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia. |
Từ thực tế di sản bị mai một, hư hại do tác động của thiên tai cũng như sự can thiệp con người một cách thiếu kiểm soát, sai mục đích, vô nguyên tắc. Nhiều di sản bị xâm hại trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích; khai thác quá mức nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến tính hài hòa và bền vững về mặt môi trường và xã hội; hay hiểu sai về vai trò của cộng đồng trong thực tiễn bảo vệ di sản, đặc biệt là đối với di sản văn hóa phi vật thể... Lĩnh vực di sản đã và đang là một phần của cuộc sống con người, của công tác văn hóa về di sản, cũng như là một chủ đề được các chuyên gia từ các ngành khoa học liên ngành trên toàn thế giới quan tâm. Do đó, lĩnh vực này đang rất cần những nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về di sản, phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo vệ di sản. Đó là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cũng như cho tương lai lâu dài hơn.
Với tâm thế của một đơn vị tiên phong đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực di sản, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang triển khai, các chương trình đào tạo, hoạt động hợp tác về khoa học với các đơn vị nghiên cứu và thực hành về di sản trên cả nước; dần hình thành và hiện thực hóa bởi các đề tài nghiên cứu, nhằm tham gia, góp phần vào chiến lược phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Tin, ảnh: NHỊ HÀ