Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Minh, Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) để hiểu rõ hơn những quy định mới này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, liên quan đến việc xử phạt các hành vi làm sai lệch, sửa chữa hình ảnh, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP mới ban hành có những sửa đổi, bổ sung và mục đích cao nhất sẽ là gì?

leftcenterrightdel
Ông Trần Văn Minh. 

Ông Trần Văn Minh: Nghị định 28 quy định rất rõ về mức phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm thực hiện một trong các mục đích: Vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa. Nghị định 28 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán tranh, ảnh có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy. Với các hành vi vi phạm, không chỉ xử lý theo quy định vi phạm hành chính, mà quá trình xem xét, điều tra nếu có các hành vi liên quan đến vu khống, trục lợi, ghép ảnh tống tiền… sẽ bị khép vào tội danh hình sự và bị truy tố trước pháp luật. Thời gian qua có nhiều trường hợp từ hành vi vi phạm hành chính cấu thành yếu tố tội phạm hình sự. Việc ban hành Nghị định 28 trong thời điểm này là rất kịp thời. 

PV: Trước sự phát triển khá nhanh của các kênh truyền thông, nhất là mạng xã hội, việc phát hiện, kiểm soát, thậm chí xử phạt các hành vi vi phạm nêu trong Nghị định 28 có gặp nhiều trở ngại không, thưa ông?  

Ông Trần Văn Minh: Do công nghệ kỹ thuật số phát triển, trang mạng xã hội ngày càng nhiều, hành vi chỉnh sửa ảnh, ghép ảnh đang xảy ra phổ biến. Đối tượng lợi dụng công nghệ, kỹ thuật số đang ngày một trẻ hóa, nhận thức về pháp luật còn hạn chế hoặc thiếu hiểu biết như học sinh dùng các trang mạng xã hội để trêu đùa nhau; thậm chí nhiều đối tượng lợi dụng một số bức ảnh đưa lên các phương tiện truyền thông để có hành vi không tốt như: Đe dọa bạn, nói xấu bạn… Với các đối tượng này sẽ có những biện pháp nhắc nhở, phối hợp với nhà trường, gia đình tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến để các em tự khắc phục.

leftcenterrightdel
 Các tác giả tham gia trưng bày triển lãm ảnh được khuyến cáo đăng ký bản quyền để tránh tình trạng tác phẩm bị cắt ghép, chỉnh sửa. Ảnh: VIỆT LAM

Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng sử dụng công nghệ truyền thông để sửa chữa hình ảnh làm tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác đang khó kiểm soát; đặc biệt là đối tượng ở nước ngoài lợi dụng công nghệ truyền thông để bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, trong đó rất nhiều hành vi chỉnh sửa ảnh, làm tổn hại đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Đây là hành vi không những vi phạm về mặt sử dụng hình ảnh mà còn có động cơ, mục đích hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sâu xa hơn nữa là nói xấu chế độ ta. Việc áp dụng xử phạt không khó khăn nếu trong trường hợp phát hiện và có đầy đủ chứng cứ vi phạm. Ví dụ, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều hành vi vi phạm cắt ghép ảnh, tranh (đã có đăng ký bản quyền) đòi lại quyền lợi và danh dự cho người bị vi phạm. Nghị định 28 sau khi ban hành đã phổ biến, tuyên truyền tới các cơ quan chức năng, địa phương... Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là việc xử lý các đối tượng ngoài biên giới.

PV: Thời gian qua, các cấp quản lý đã có những biện pháp như thế nào để giảm và ngăn chặn các đối tượng lạm dụng kỹ thuật số, trang mạng xã hội gây tổn hại đến người khác, thưa ông?

Ông Trần Văn Minh: Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ VHTT&DL, cùng một số cơ quan, đơn vị đã có nhiều buổi làm việc với các trang mạng, như: Google, Youtube nhằm ngăn chặn các trang web độc hại, có lợi dụng quảng cáo để thực hiện các mục đích không tốt. Mặt khác, kết hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài Trung ương và địa phương tuyên truyền, đưa ra nhiều khuyến cáo, vận động cá nhân, doanh nghiệp không quảng cáo sản phẩm ở những trang mạng mà không kiểm soát được. Theo thông tin mới nhất của Google và Youtube, từ khi bắt tay thực hiện công tác ngăn chặn đã giảm được 80-90% số lượng quảng cáo trên các video clip. Nhưng việc sử dụng hình ảnh cắt gọt, gán ghép có mục đích, động cơ chính trị, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn còn diễn ra. Với vấn đề này, cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng, cả hệ thống chính trị, xã hội phải lên án, tẩy chay chứ không chỉ phụ thuộc vào lực lượng an ninh, Bộ TT&TT hay Bộ VHTT&DL.

Để cùng đẩy lùi, giảm những hành vi vi phạm này, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông trong việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục người dân hiểu đâu là hình ảnh xấu và việc xuyên tạc không chỉ vi phạm bản quyền mà còn vi phạm cả về pháp luật, chính trị.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HÀ VƯƠNG (thực hiện)