QĐND - Một trận thể thao đẹp trước hết phải là một trận đấu trung thực, người chơi trên sân đều thể hiện tinh thần đoàn kết, cao thượng. Và quy luật của các trận đấu thể thao là “mạnh được, yếu thua”. Điều ấy tưởng chừng như ai cũng biết, ấy thế mà vẫn có những cuộc chơi thể thao ở đơn vị cơ sở, bên thắng không hẳn bao giờ cũng mạnh, cũng nổi trội hơn bên thua.
Buổi chiều vừa đặt chân đến đơn vị X, người bạn đồng khóa thân thiết đã mời tôi ra sân bóng chuyền. Nghe những lời rủ rê hấp dẫn, lại có “máu” ham bóng chuyền, tôi nhận lời ngay. Người bạn hỏi:
- Cậu thích ở đội thắng hay ở đội thua?
Tôi ngạc nhiên:
- Chưa thi đấu, sao cậu lại hỏi một câu đầy vẻ “dàn xếp” như vậy?
Cậu ta bảo:
- Ý tớ muốn nói là cậu thích ở đội bên thủ trưởng đơn vị hay ở đội trợ lý cơ quan?
Nghe thế, tôi hiểu ra ngay vấn đề, song vẫn tự chọn vào đội hình của cánh trợ lý.
Đúng giờ hẹn, sau tiếng còi “tuýt tuýt” của trọng tài, cuộc chơi bắt đầu. Theo “giao kèo” trước, trận đấu bóng chuyền sẽ thi đấu 5 séc, mỗi séc 15 điểm, đội nào thua sẽ chi tiền mua 5 lít bia hơi Hà Nội và 2 cân lạc luộc. Đội trợ lý được đặt tên vui là “Bèo Dạt”. Đội bên kia có một cán bộ chỉ huy trung đoàn được gọi vui là đội “Mây Trôi”. Cuộc đấu trở nên tưng bừng, náo nhiệt hơn vì có một nhân viên tuyên huấn cầm chiếc loa trước miệng liến thoắng bình luận với những lời hết sức vui tươi, hóm hỉnh: “Rất hoan hô cầu thủ N của đội Bèo Dạt vừa có một cú đập như “trời giáng”, khiến các cầu thủ đội Mây Trôi phải bàng hoàng!”; “Lại một pha đập “sấm sét” của đội Bèo Dạt đã làm sân của đội Mây Trôi như bị sụt lún!”; “Như vậy, sau hai séc đấu đầu tiên, đội Bèo Dạt đã “đè bẹp” hoàn toàn đội Mây Trôi với các tỷ số chênh lệch: 15-9, 15-7. Với đà tấn công như vũ bão này, hy vọng rằng, đội Bèo Dạt hôm nay sẽ đại thắng lợi”...
Nhưng lạ thay, đang thi đấu hào hứng, hết mình như vậy, đến séc thứ ba, đội Bèo Dạt bỗng chơi rời rã như cơm nguội. Mấy anh trợ lý hình như đã ngầm ra tín hiệu với nhau trước, họ cố tình chơi xuống “phong độ” để tự nhận phần thua về mình ở ba séc đấu sau cùng. Và tất nhiên, bên thắng là đội Mây Trôi, tức là đội hình có thủ trưởng đơn vị thi đấu.
Khi ngồi uống bia, mọi người vui vẻ chúc tụng thủ trưởng ra sân hôm nay càng chơi càng mạnh, càng hay. Thủ trưởng tỏ ra khoái chí lắm!
Buổi tối, còn lại tôi và anh bạn đồng khóa ngồi uống nước với nhau. Tôi chưa hết ấm ức:
- Sao các cậu phải giả vờ thua làm gì nhỉ? Thi đấu thể thao phải “phe-pờ-lây” chứ!
Cậu ta giải thích:
- Nhưng thủ trưởng là người hiếu thắng, nếu mà để vị ấy thua à, lần sau đừng có bén mảng ra sân!
- Có bao giờ thủ trưởng bị thua trong các cuộc chơi thể thao nào chưa?
- Chưa bao giờ cả. Cái hay của thủ trưởng là ham thể thao, môn nào cũng biết, từ bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền đến ten-nít. Dù không giỏi chơi môn nào, nhưng hễ thủ trưởng ra sân, y như rằng bất cứ ai là cấp dưới cũng phải “nhường” phần thắng cho thủ trưởng!
- Theo cậu, làm như thế có nên không?
Cậu ta khẳng khái:
- Rất không nên chút nào. Bởi suy nghĩ và cách hành xử đó không thể hiện tinh thần thể thao chân chính, đích thực! Nhưng chung quy cũng chỉ tại thủ trưởng có “máu tham” trong các cuộc chơi thể thao, khiến anh em cấp dưới phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”!
LÃNG XUYÊN