Được thành lập từ tháng 6-2015, Hợp tác xã Thiên An do chị Quyên làm giám đốc với mục tiêu hoạt động ban đầu là bào chế các sản phẩm dược liệu truyền thống người Dao có nguồn gốc từ thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe như: Cao Gắm; sản phẩm xoa bóp Thiên Mộc; các bài thuốc tắm thảo dược cho cho trẻ em, phụ nữ sau sinh: Mộc Vượng Xuân, Phục Dưỡng, An Mộc Nhi, Hoa... Dược liệu để sản xuất sản phẩm được canh tác trên vùng đất với nguồn nước, dây chuyền công nghệ đạt tiêu chuẩn, được kiểm định bởi các đơn vị chức năng có thẩm quyền để cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm đã được đông đảo khách hàng trong, ngoài tỉnh đón nhận, mang lại doanh thu và ổn định đời sống cho những thành viên hợp tác xã.
 |
Một số thành viên Hợp tác xã Thiên An đang hoàn thiện các sản phẩm mang đậm nét truyền thống dân tộc. |
Từ hai năm trở lại đây, nhận thấy nhiều khách hàng khi đến tham quan đều chú ý và ấn tượng với bộ trang phục người Dao mà chị và các thành viên hợp tác xã mặc trên người, trong đó, nhiều khách hàng ngỏ ý muốn mua lại, chị Quyên nảy sinh ý tưởng thiết kế, may và thêu các bộ váy, áo, trang phục truyền thống người Dao bán theo các đơn đặt hàng. Chị Quyên cho biết: “Tôi là người dân tộc Dao nên rất muốn lưu giữ, quảng bá những nét hoa văn trang phục truyền thống người Dao để ngày càng có nhiều người biết đến. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đưa một số họa tiết của trang phục người Dao truyền thống vào các trang phục hiện đại, thông dụng với cộng đồng. Thật vui mừng vì sản phẩm được khách hàng đón nhận và dành nhiều lời khen”. Từ đây, đơn hàng ngày càng nhiều và cơ sở của chị Quyên đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 phụ nữ trong xã với thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Để thu hút khách hàng, chị Quyên xây dựng một gian hàng điện tử, quảng cáo các sản phẩm trên trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Không chỉ thiết kế những bộ quần áo, váy có trang trí các họa tiết của trang phục người Dao, chị Quyên còn thiết kế những sản phẩm khác như gối đầu, gối ôm, gối dành cho xe ô tô, ga giường, túi đeo, tranh treo tường... Những sản phẩm hợp tác xã do chị và các thành viên làm, nhiều họa tiết được thêu thủ công đẹp mắt trên chất liệu vải do chính tay chị lựa chọn kỹ càng. Hiện nay, sản phẩm đã được bày bán tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng và nhiều địa điểm du lịch trên cả nước. Tính đến nay, Hợp tác xã Thiên An đã thiết kế hơn 400 đơn hàng quần, áo, váy. Tùy vào từng loại sản phẩm thiết kế cho người lớn hay trẻ em mà mức giá dao động 2-4 triệu đồng/bộ.
Trang phục của người Dao đỏ rất độc đáo và ấn tượng. Các họa tiết, hoa văn được dệt nên từ những sợi len với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, trắng, chàm hoặc đen. Trang phục của dân tộc Dao trở nên lộng lẫy, độc đáo hơn bởi có sự tô điểm của trang sức như vòng cổ, nhẫn, xà tích... được làm từ nguyên liệu bạc, trạm khảm cầu kỳ, góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng và sức hấp dẫn của người phụ nữ. Với những thành quả trong việc phát triển của hợp tác xã và những đóng góp vào việc quảng bá, lưu giữ, bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, Hợp tác xã Thiên An và chị Lý Thị Quyên được các cấp, ngành trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Hợp tác xã cũng là mái nhà chung giúp nhiều chị em xây dựng cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc.
Chị Ngôn Thị Chanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bạch Thông cho biết: “Vi Hương là xã còn nhiều khó khăn của huyện với số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, cải thiện đời sống cho người dân vẫn còn là vấn đề nan giải của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Từ khi mô hình thêu, may trang phục truyền thống của Hợp tác xã Thiên An hoạt động, phần nào đã giải được bài toán giảm nghèo cho hội viên phụ nữ xã nơi đây. Đây là mô hình vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn được nét đẹp truyền thống của dân tộc nên chúng tôi sẽ tính toán để nhân rộng trong thời gian tới”.
Với sự thương yêu, đùm bọc và qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Dao ở Hợp tác xã Thiên An, nhiều hoa văn truyền thống trên trang phục dân tộc đang được phục dựng lại, giữ gìn cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, để mô hình nghề thủ công truyền thống này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phát huy hết giá trị thì vẫn rất cần sự quan tâm định hướng của các cấp, ngành.
Bài và ảnh: ĐỖ KIM TẬP