Gần bước vào tuổi 70, nhưng vẻ đẹp và phong thái của NSND Như Quỳnh luôn nhận được cái nhìn ngưỡng mộ, cảm mến của người đối diện. Sống trên con phố nổi tiếng của trung tâm phố cổ Hà Nội-phố Hàng Đào-mỗi khi ra đường, nghệ sĩ lại cười vui khi mọi người quen gọi là "cô Nết".

leftcenterrightdel
  Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Nhắc đến tên cô Nết, NSND Như Quỳnh kể lại câu chuyện, năm 1975, cả nước hân hoan trong niềm vui giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chưa bao giờ người Hà Nội lại háo hức đến vậy. Quanh hồ Hoàn Kiếm, từng dòng người, đoàn người, rồi biển người, không chỉ có người Việt, người Hà Nội có mặt mà trong số đó có không ít phóng viên từ báo, đài, hãng thông tấn nước ngoài để đưa tin về chiến thắng huy hoàng này. Những đoàn nghệ thuật ở Hà Nội từ trước đó đã có thông báo chuẩn bị cho sự kiện lịch sử đặc biệt này, đó là lý do tại sao gần như ngay lập tức Hồ Gươm trở thành một quảng trường của niềm vui chiến thắng. Trong dòng người ấy có nghệ sĩ Như Quỳnh, lúc đó mới 21 tuổi. Bà đã lọt vào ống kính của các nhà quay phim, đặc biệt trong đó là đạo diễn Trần Vũ, đó như là định mệnh, khi ông mời Như Quỳnh hóa thân vai cô Nết trong “Đến hẹn lại lên”.

Như Quỳnh đã khắc họa thành công một cô Nết có nhiều trắc trở trong cuộc sống. Trước năm 1945, người phụ nữ trong thời phong kiến chịu nhiều định kiến xã hội, nhưng họ đã vượt lên số phận đi theo cách mạng. Vai cô Nết đã mang lại cho diễn viên Như Quỳnh Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3. Nhưng trước đó, vai diễn mà nghệ sĩ cũng đã để lại dấu ấn mở đầu trên màn ảnh Việt là nữ y tá Mai trong “Bài ca ra trận” của đạo diễn Trần Đắc. Những vai Ái trong “Ngày lễ thánh”, Diễm Hương trong “Mối tình đầu”, hóa thân các vai trong “Đêm miền yên tĩnh”, “Số đỏ”, “Gánh hàng hoa”, “Bến không chồng”, “Những cô gái chân dài”, “Chuyện của Pao”, “Áo lụa Hà Đông”... đã tạo dựng cho điện ảnh Việt Nam một Như Quỳnh với nét duyên không trộn lẫn trên những khuôn hình.

Nửa thế kỷ qua, người hâm mộ biết đến một Như Quỳnh trên màn ảnh, nhưng có lẽ không nhiều người biết nghệ sĩ còn là một giọng ca cải lương ngọt ngào. Như Quỳnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Cha mẹ bà là cặp nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Tiêu Lang và Kim Xuân. “Năm 1969, tôi làm diễn viên sân khấu, đã diễn vai tốt nghiệp là vai Kiều, một vai nặng ký trong tác phẩm lớn của Nguyễn Du, cho nên về nghề diễn tôi vững vàng”, NSND Như Quỳnh nhớ về vai diễn đầu tiên trong cuộc đời diễn xuất của mình.

Mặc dù công việc diễn xuất bận rộn nhưng nghệ sĩ Như Quỳnh vẫn luôn chu toàn trong cuộc sống gia đình. Năm 1980, bà kết hôn với nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Cuộc hôn nhân của họ được ví như câu chuyện cổ tích, bởi hai người đều là “trai tài gái sắc” trong gia đình danh giá tại Hà thành. Họ có với nhau hai người con gái là Đan Huyền và Đan Khuê. Cũng bận rộn không kém gì bà xã, nhưng nhiếp ảnh gia Hữu Bảo sẵn sàng ở nhà chăm sóc con để nghệ sĩ thực hiện các dự án phim ở xa, dài ngày. Từ hậu phương vững chắc như vậy, bà đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp nghệ thuật.

Không chỉ trên phim, NSND Như Quỳnh cũng đưa cốt cách của con người Tràng An vào từng cách ứng xử với mỗi thành viên gia đình. Trong gia đình Như Quỳnh, bố mẹ đều là nghệ sĩ, là sự biểu hiện tính thuần phong mỹ tục của người Việt, đó là nghiêm túc, chân thành, trách nghiệm và truyền thống. NSND Như Quỳnh vẫn luôn kế tục những phẩm chất này của ông bà và truyền lại cho con cháu.

“Như Quỳnh trong lịch sử điện ảnh Việt Nam là khuôn mặt rất lạ, chưa lặp lại. Không bàn tới hơn thua tài năng ở đây mà chỉ nói rằng đây là tài năng đến giờ chưa có và cũng là một tấm gương nghệ sĩ thật đáng trân trọng”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đánh giá về NSND Như Quỳnh.

CHÂU XUYÊN