QĐND - Chị Trần Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Như Quỳnh, có trụ sở tại thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) lâu nay thường được mọi người gọi với cái tên trìu mến: "Cô Tấm" ngày nay. 35 tuổi đời, nhưng Trần Như Quỳnh không chỉ thành đạt trên lĩnh vực kinh doanh mà còn có những thành tích đáng nể trong các hoạt động xã hội, từ thiện…
Bông hoa đẹp của núi rừng Tây Bắc
Vượt qua quãng đường dài từ Hà Nội, khi ông mặt trời vừa khuất sau những dãy núi mờ sương, chúng tôi có mặt tại thị trấn Sa Pa. Qua vài khu phố nhỏ, chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Như Quỳnh đúng lúc chị đang gói buộc túi to, túi nhỏ đựng những chiếc chăn bông, áo ấm xếp chật một góc nhà. Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán, chị giải thích với chúng tôi:
- Mình vừa từ Hà Nội về SaPa, chỉ ở đây được vài ngày, nên tranh thủ chuẩn bị chút quà để vào thăm bản, biếu bà con. Dân quê mình còn nghèo lắm. Đến nay, nhiều gia đình vẫn còn đói ăn, thiếu mặc. Mới giữa mùa thu, nhưng về đêm SaPa lạnh lắm! Một vài cái chăn, tấm áo gọi là để giúp bà con vượt qua những đêm giá rét mình cũng thấy ấm lòng…
 |
Chị Trần Như Quỳnh và cộng sự cùng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tả Phìn (SaPa, Lào Cai). Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có bố, mẹ, anh, chị và sau này cả chồng đều là bác sĩ, nhưng Trần Như Quỳnh lại bén duyên với nghề kinh doanh du lịch. Từ bé, chị đã bị mê hoặc bởi cảnh sắc thiên nhiên đầy huyền bí của quê hương Lào Cai. Chị mơ ước khi lớn lên sẽ chinh phục núi Hàm Rồng, đỉnh Phan-xi-păng kỳ vĩ… và quảng bá hình ảnh quê hương với du khách gần xa. Nghĩ là làm, sau khi tốt nghiệp trung cấp du lịch, Trần Như Quỳnh khởi nghiệp bằng cách tình nguyện dẫn khách khám phá Sa Pa. Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, lại có giọng nói truyền cảm, ngoại hình duyên dáng, thông thạo địa hình, Trần Như Quỳnh luôn tạo được ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách.
Thấy được thế mạnh, tiềm năng kinh tế của Sa Pa từ du lịch, năm 2001, khi đã có tích lũy đáng kể về kiến thức và kinh nghiệm, Trần Như Quỳnh quyết định thành lập Công ty TNHH Như Quỳnh, tổ chức các tua du lịch khám phá Sa Pa và các tỉnh Tây Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… đồng thời kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Thương bà con các bản làng ở Lào Cai còn nghèo khổ, Trần Như Quỳnh đã coi trọng việc tuyển chọn, đào tạo con em họ trở thành hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ các tua du lịch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Chỉ sau vài năm hoạt động, công ty của chị đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh du lịch khu vực Tây Bắc và có nhiều đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Năm 2010, chị Trần Như Quỳnh được tôn vinh là doanh nhân trẻ, tiêu biểu toàn tỉnh Lào Cai.
Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Quỳnh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Chị thường xuyên vận động bà con dân bản thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về dân số, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", quyên góp ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ… Mỗi khi đi tặng quà cho bà con hoặc dẫn du khách đi tham quan bản làng trong các tua du lịch, chị đều kết hợp gặp gỡ, vận động mọi người thực hiện việc giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt; hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh. Theo chị, ở các bản làng Sa Pa, có rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Pó… với những nét đặc trưng văn hóa và phong tục khác nhau, nên việc vận động bà con không dễ, phải vừa chia sẻ với bà con những khó khăn về vật chất, vừa “miệng nói tay làm” thì mọi người mới tin và làm theo. Với cách nghĩ đó, chị không nề hà bất kỳ việc gì, từ dọn vệ sinh nhà cửa, chuồng trại cho từng gia đình đến tắm gội cho các em nhỏ. Chị tận tình chỉ cho bà con cách ăn uống hợp vệ sinh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho khoa học, đạt được năng suất cao nhất. Bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, cùng với khả năng nói có duyên và tấm lòng từ thiện, chị tuyên truyền, vận động bà con rất hiệu quả. Chính những việc làm đó của chị đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế xã hội của quê hương SaPa.
Anh Nguyễn Ngọc Hinh, Phó chủ tịch UBND huyện SaPa, cho biết: “Chị Trần Như Quỳnh là tấm gương tiêu biểu của địa phương về các hoạt xã hội, từ thiện. Đặc biệt, chị rất tích cực vận động bà con các dân tộc thiểu số chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng bản làng văn hóa, phát triển kinh tế xã hội.”
Mỗi việc làm từ thiện là một niềm vui
Sẵn có lòng thương người, trái tim nhân hậu, Trần Như Quỳnh tham gia các hoạt động từ thiện một cách ngẫu nhiên, say mê và hết mình. Chị kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xảy ra vào một đêm giữa mùa đông năm 1997. Tối đó, đang trên đường từ bản về nhà, chị gặp một nhóm 5 em nhỏ từ 7 đến 10 tuổi đang co quắp ngủ trong những chiếc hộp cát-tông trên hè phố dưới cái rét cắt da. Đêm ấy, hình ảnh nhóm trẻ cứ ám ảnh mãi khiến chị không sao chợp mắt được. Ngay sáng hôm sau, chị quyết định tìm hiểu và biết được các em là những đứa trẻ đánh giầy, bán báo… sống lang thang. Và rồi chị thuyết phục được chồng đồng ý cho đón 5 đứa trẻ về ở trong căn nhà cấp 4 chật chội. Từ đây, bọn trẻ có một mái ấm đầy tình thương và sự đỡ đầu của đôi vợ chồng trẻ, trong khi điều kiện kinh tế thì chưa thật khá giả. Không những lo cho bọn trẻ chỗ ở, có điều kiện đến đâu, chị lại giúp các em đến đó.
Khi nhận đỡ đầu các em nhỏ, hiểu được tấm lòng của chị, hầu hết hàng xóm láng giềng, bạn bè, người thân đều cảm thông, ủng hộ việc làm đầy tình thương và trách nhiệm này. Nhưng cũng không ít người có ác ý, nói ra, nói vào nhiều điều thiếu thiện chí. Thậm chí, có người còn nghi ngờ chị lợi dụng bọn trẻ. Thương các em, Quỳnh đã gạt đi tất cả mọi sự dè bỉu để lo cho các bé. Thấy các em thông minh, nhanh nhẹn, chăm ngoan, chị động viên các em đi học thêm tiếng Anh vào buổi tối. Chị cũng tranh thủ bồi dưỡng cho các em cách làm hướng dẫn viên du lịch. Mặc dù kinh tế gia đình lúc đó còn eo hẹp, nhưng hằng tháng chị vẫn cố gắng hỗ trợ thêm cho các em gần 50% tiền học phí. Sau này, các em đều được chị giới thiệu vào làm việc ở các công ty du lịch, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, cả 5 em đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Trong số đó có em Nguyễn Văn Quỳnh quê ở xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) khá thành đạt với nghề hướng dẫn viên du lịch.
Chị Quỳnh không thể nhớ hết bao nhiêu người bất hạnh đã từng nhận được sự giúp đỡ của mình, nhưng con số này ước tính lên đến hàng trăm. Với chị, sau mỗi việc làm từ thiện là một niềm vui. Nhắc lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong những lần đi làm từ thiện của mình, chị Quỳnh tâm sự:
- Một hôm, tôi mang 2 bao tải quần áo đi tặng bà con. Đường vào bản gần 20km, nhiều đoạn không đi được bằng xe máy, vì những con dốc cao và quanh co hiểm trở. Bởi thế, tôi phải “tăng bo” từng bao một trên vai. Cứ đặt bao này xuống là quay lại vác bao kia, về được với bản lúc đó mình cũng vừa... kiệt sức. Nhớ mãi dịp Tết Trung thu năm 2013, khi đến TP Lai Châu làm từ thiện, các em nhỏ nơi đây để lại cho tôi ấn tượng khó phai. Bọn trẻ thi nhau tặng tôi những bắp ngô, củ khoai hết sức ngộ nghĩnh và đáng yêu khiến mình rất ấm lòng!
Dịp Tết Trung thu 2014, chị Quỳnh là nhà tài trợ chính kết hợp với báo Người Hà Nội tổ chức chương trình “Gọi ánh trăng về” cho gần 100 trẻ em thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS tại xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) trị giá hàng chục triệu đồng. Trước đó, Tết Trung thu năm 2013, chị cũng phối hợp với Công an TP Lai Châu tổ chức chương trình “Áo ấm mùa đông” cho hơn 100 học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn. Mỗi suất quà tặng các em lần đó trị giá 500.000 đồng và tổng chi phí lên tới gần 100 triệu đồng. Hiện tại, chị mới chuyển về sống và làm việc ở Hà Nội. Mặc dù bộn bề công việc, nhất là phải chăm sóc cậu con trai 16 tuổi bị nhược thị nặng cả 2 mắt và đang phải điều trị dài ngày, nhưng vào mỗi sáng thứ 6 hằng tuần, chị Quỳnh vẫn đều đặn tham gia các đội, nhóm tình nguyện quyên góp, nấu và phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, những người nghèo trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngoài việc hỗ trợ bằng vật chất, Trần Như Quỳnh luôn ân cần thăm hỏi, động viên và tự tay chăm sóc những người khuyết tật. Hiện nay, chị nhận đỡ đầu chị Nguyễn Ngọc Hòa, sinh năm 1980 ở thôn 5, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Chị Hòa là người khuyết tật bẩm sinh, nên thân hình chỉ bằng đứa trẻ lên ba (nặng 12kg). Trò chuyện với chúng tôi, chị Hòa tâm sự: “Từ trước tới nay, tôi được rất nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhưng chị Quỳnh là người duy nhất tôi có thể tâm sự, chia sẻ mọi chuyện như người bạn, người chị gái của mình. Chị ấy không chỉ hỗ trợ về vật chất như mọi người, mà còn tận tình chăm sóc, quan tâm xem tôi muốn gì để giúp đỡ. Có lần tâm sự qua điện thoại và biết được tôi muốn ra ngoài đi chơi, vậy là chị Quỳnh tức tốc đón xe từ Sa Pa xuống Hải Phòng đưa tôi đi chơi một ngày...”.
Còn rất nhiều câu chuyện cảm động và giàu ý nghĩa nhân văn mà Trần Như Quỳnh đã làm trong suốt thời gian qua. Gặp, trò chuyện cùng chị, chúng tôi cảm nhận rằng: Mỗi việc làm của chị đều toát lên nhân cách, vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
MAI XUÂN CHÍNH