QĐND - Mới đây, Trung tâm Văn hóa Heritage Space - Dolphin Plaza (28 Trần Bình, Hà Nội) phối hợp với Diễn đàn Sách xưa (sachxua.net) tổ chức triển lãm “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật giai đoạn 1865-1965”. Triển lãm còn có sự tham gia của các khách mời, cùng tham gia bàn luận quanh chủ đề báo chí Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông-Tây xưa và nay cũng như thú sưu tầm sách, báo xưa.

Báo xưa - những giá trị lịch sử

Chủ đề của triển lãm lần này là 100 năm báo chí xuyên suốt từ thời kỳ báo chí đầu tiên, những tờ báo nổi bật của báo chí quốc ngữ, được chọn ra từ bộ sưu tập của ba thành viên Diễn đàn sách xưa gồm: Tạ Thu Phong, Trịnh Hùng Cường và Nguyễn Phát Hà Giang. Bên cạnh những đầu báo nổi tiếng như: Gia Định báo, Nam Phong, Thanh Nghị, Phong Hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ bảy…; công chúng đến với triển lãm còn được xem và đọc những tờ báo đầu tiên về chủ đề công-thương-đầu tư như: Nông cổ mín đàm, Sài Gòn kinh tế tuần báo...; những tờ báo đầu tiên nói về chủ đề phụ nữ như: Phụ nữ tân văn, Bình đẳng nhật báo...; báo dành cho thiếu nhi như: Nhi đồng tạp chí, Nhi đồng họa báo…

Anh Nguyễn Đình Thành (cố vấn nội dung của Heritage Space) chia sẻ: “Heritage Space mới được khai trương từ đầu năm nay, và chúng tôi cũng liên tục có các hoạt động để ra mắt nhiều dòng sách khác nhau. Đây là triển lãm đầu tiên mà chúng tôi giới thiệu một phần bộ sưu tập của các thành viên trong Diễn đàn Sách xưa”.

Một góc triển lãm “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật giai đoạn 1865-1965”.

Những triển lãm báo chí trước đây đều mang đến một góc nhìn về lịch sử của báo chí Việt Nam nhưng lần này triển lãm “Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật giai đoạn 1865-1965” đã cung cấp cho công chúng nhiều thông tin bổ ích và góp phần làm rõ hơn vai trò của báo chí xưa đối với sự thay đổi về văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn giao lưu văn hóa Đông-Tây. Khi đọc các tờ báo này, người đọc có thể hiểu sâu sắc hơn về mỗi bước đường lịch sử của dân tộc, nhìn nhận được những nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của người Việt như: Ăn, ở, mặc và một phần nào đó hiểu được vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội xưa. Điểm đáng chú ý ở mỗi tờ báo xưa là so với báo chí hiện nay, tuy có cùng một chủ đề, đối tượng nghiên cứu, nhưng cách thể hiện của báo chí xưa luôn gây được ấn tượng sâu sắc đối với công chúng. Qua đó, chúng ta có thể thấy được sự phát triển của ngôn ngữ Việt Nam cũng như cách tổ chức thông tin trong thời đại hội nhập mới.

Ba nhà sưu tầm, mỗi người một công việc khác nhau nhưng họ có chung một niềm đam mê sưu tầm sách báo cũ. Khi được hỏi về thú sưu tập báo xưa, anh Nguyễn Phát Hà Giang cho hay: “Mình thích lối mỹ thuật trong báo chí xưa, người ta thường mời những họa sĩ minh họa rất đẹp, màu sắc trang trí trong mỗi tờ báo Tết, báo Xuân rất sống động. Thứ hai, những tờ báo xưa có nét hoài cổ, chất giấy của nó làm cho mình cảm thấy rất xúc động”.

Báo chí xưa tôn vinh nét đẹp văn hóa

Nhà nghiên cứu Vũ Thế Long bày tỏ niềm vui khi có nhiều bạn trẻ rất yêu sưu tầm những tờ báo mà cả cuộc đời ông mơ nhìn thấy. Ông cho rằng, việc đưa ra giới thiệu những sưu tập này là điều rất thú vị, vì báo cách đây mấy chục năm là minh chứng, là cổ vật về văn hóa, và còn là minh chứng sống động cho thời đại bấy giờ kể cả ngôn ngữ, chữ viết, cũng như tư duy con người. Bây giờ, đọc lại những cái đó để tìm lại cái hay ngày xưa để kế thừa.

Ở các nước khác, nhất là nước phát triển, thì sách báo cũ cũng như đồ cũ là một thị trường rất phát triển. Nhưng ở Việt Nam, trong thời kỳ bao cấp, ở miền Bắc thị trường ấy co lại và gần như không còn thị trường sách báo cũ nữa. Nhưng qua buổi triển lãm, chúng ta có thể thấy được một thị trường sách báo cũ rất giá trị. Củng cố thêm cho điều này, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định: “Báo chí là lịch sử của những cái hằng ngày. Cái hằng ngày luôn luôn diễn ra mà cái hôm nay không lặp lại tờ báo hôm qua, nó lưu giữ cái hằng ngày của hôm qua và cho đến 100 năm sau, 1000 năm sau vẫn còn nguyên giá trị thông tin nếu muốn tìm lại”.

Ngoài những tờ báo giai đoạn 1865-1965, các nhà sưu tầm còn đem đến triển lãm nhiều ấn phẩm trong giai đoạn phát triển tiếp theo của nền báo chí Việt Nam. Đặc biệt, tại đây độc giả có thể mua một số ấn phẩm báo chí mà mình yêu thích.

Bài và ảnh: MAI HƯƠNG LINH