QĐND - Tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) đang diễn ra triển lãm tranh “Tố nữ dân ca” của họa sĩ Lý Trực Sơn. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật cổ tranh dân gian và chất liệu giấy dó đang dần bị mai một.

Nguyên là giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Lý Trực Sơn còn là một họa sĩ sơn mài nổi tiếng. Ông đã từng nhiều năm sinh sống và làm việc ở châu Âu, vì thế những trải nghiệm, những cách nhìn của ông về cuộc sống, về nghệ thuật quê nhà cũng có những nét rất riêng, rất mới.

Một bức tranh trưng bày trong triển lãm “Tố nữ dân ca”. Ảnh do ban tổ chức cung cấp.

Tố nữ là một hình ảnh đẹp, tiêu biểu là bộ tranh tứ bình của dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội). Lý Trực Sơn muốn "phục sinh" hình tượng này thông qua 29 tác phẩm trong triển lãm “Tố nữ dân ca”. Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ: “Các tố nữ là hình tượng siêu thực, bởi vẻ đẹp không nằm ở chỗ tả người, mà là ý tưởng của họa sĩ gửi gắm vào tranh”. Không chọn hình ảnh những tố nữ đàn hát trong tranh dân gian xưa, mang sắc thái "yểu điệu thục nữ", Lý Trực Sơn đã sáng tác hình tượng tố nữ theo nhân vật “Vân Dại”. “Vân Dại” tức Xúy Vân-nhân vật chính trong tích chèo Kim Nham, là một cô gái đảm đang, khéo léo với những ước mong bình dị về cuộc sống gia đình, nhưng lại vướng vào cuộc hôn nhân không như ý, cuộc hôn nhân không có tình yêu mà do cha mẹ sắp đặt. Tuy nhiên, đây được xem là một vai nữ lệch vì cô đã giả điên để lừa chồng nhưng rồi lại bị người tình phụ bạc. Nếu người đời coi Vân như một nhân vật “điều tiếng”, thì với Lý Trực Sơn đây là một vai nữ đầy mâu thuẫn nội tâm, có số phận vào loại bi kịch nhất sân khấu cổ Việt Nam. Ông đồng cảm với người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh. Với ông, Xúy Vân chỉ là nạn nhân của lễ giáo khắt khe trong xã hội phong kiến đương thời. Bằng cả sự trân trọng và lòng thương cảm, ông đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Xúy Vân khi thì khắc khoải, đợi chờ trong tư thế bó gối, tựa đầu suy tư, lúc lại ngồi hồn nhiên chải tóc, tắm dưới trăng...

Lý Trực Sơn lựa chọn giấy dó là chất liệu chính cho bộ tranh tâm đắc của mình bởi nó có rất nhiều ưu điểm. Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gãy, ẩm nát. Tuy vậy, đây là chất liệu ít được sử dụng trong sáng tác nghệ thuật. Nhất là hiện nay, nghề làm giấy dó đang dần mai một, bị chìm vào quên lãng. Nhắc đến giấy dó chỉ là những hoài niệm, xưa cũ. Bởi vậy, Lý Trực Sơn đã muốn dùng chất liệu này để tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và hấp dẫn đem đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật cổ dân gian truyền thống. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét: “Lựa chọn của Lý Trực Sơn rất chuẩn xác. Giấy dó được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian. Ưu điểm nổi bật nhất là độ bền theo thời gian. Lý Trực Sơn đã rất tinh tế khi lựa chọn chất liệu này cho bộ tranh tâm huyết của mình. Và vì lẽ đó mà giá trị nghệ thuật của các bức họa được nâng lên”. Còn đối với cảm nhận của một người yêu hội họa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ ấn tượng với cách nhìn đa chiều và sâu trên tranh giấy dó của Lý Trực Sơn. Nhà văn chia sẻ: “Xem tranh, tôi xin nói một điều, ông vẽ đằm và lặng”.

Buổi triển lãm còn hấp dẫn hơn bởi có thêm trình diễn chèo cổ, với sự góp mặt của các nghệ sĩ hàng đầu như: Thanh Bình, Thanh Hoài, Vũ Ngọc, Thúy Ngần, Mạnh Phóng, Trần Thịnh… Đó là một cách kết hợp hội họa với nghệ thuật trình diễn thu hút thêm người xem, nhất là thế hệ trẻ, để cùng hiểu, cùng yêu, cùng say tinh hoa nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

LAN ANH