Lễ hội Khai hạ - Cầu an diễn ra vào mồng 7 tháng Giêng hằng năm góp phần lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân, cũng như sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Lễ hội Khai hạ - Cầu an với phần lễ là các nghi thức tế, lễ của cung đình triều Nguyễn như: Hạ nêu, khai hạ (lễ dâng hương cầu an), khai bút, khai ấn. Lễ có ý nghĩa là kết thúc mọi hoạt động vui chơi trong Tết Nguyên đán, trở lại nhịp sinh hoạt, lao động sản xuất hằng ngày. 

Một phần nghi thức lễ trong Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Cùng với phần lễ, Lễ hội Khai hạ - Cầu an luôn có phần hội sôi nổi với nhiều hoạt động, chương trình đa dạng, mang đậm nét văn hóa truyền thống và kéo dài nhiều ngày để phục vụ nhân dân đến dâng hương cầu an. Trong đó, công chúng được thưởng thức nét đặc sắc của nghệ thuật hát bội, đờn ca tài tử, dân ca Nam Bộ... Người đến dâng hương cầu an còn được xem biểu diễn múa lân, triển lãm ảnh nghệ thuật kiến trúc...

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Lễ hội Khai hạ - Cầu an đầu năm tại quận Bình Thạnh thu hút đông đảo người dân TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương khu vực Nam Bộ đến viếng, cầu an và tham gia các hoạt động. Lễ hội đã đi sâu vào tâm thức của cộng đồng, tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân về ước nguyện năm mới mưa thuận gió hòa, công việc thuận lợi, hanh thông. Lễ hội cũng thể hiện ý chí, sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong khuôn khổ Lễ hội Khai hạ - Cầu an những năm gần đây còn gắn với hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây, kêu gọi người dân tham gia trồng cây xanh, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Lễ hội Khai hạ - Cầu an là niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, thôi thúc và gắn kết, cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến với TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: GIA NGỌC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.