QĐND Online - Một mô hình đọc sách miễn phí đã được triển khai tại  Trung tâm hợp tác Việt-Hàn (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) hơn 7 năm nay. Thư viện đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ dân trí cho người dân nông thôn.

Mở cửa tri thức cho người dân

Ghé thăm Nhà hàng “Anh Bắc”, chúng tôi đã được trò chuyện với anh Nguyễn Văn Bắc – chàng thanh niên trẻ mê sách của Thư viện Trung tâm hợp tác Việt-Hàn. Mới bước sang tuổi 27, Bắc đã rất thành công trong cương vị ông chủ một nhà hàng ăn nổi tiếng của xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) với chục nhân viên và thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. 

Tranh thủ vài phút để trò chuyện giữa buổi trưa đông khách, Bắc đã kể cho chúng tôi nghe về những bước đi và bí quyết để có được thành công như hôm nay. Năm 2005, Bắc và nhiều thanh niên của xã Bình Minh đã được học nghề mộc tại Trung tâm hợp tác Việt-Hàn theo dự án đào tạo miễn phí cho thanh niên nông thôn. Trong thời gian theo học và làm việc tại đây, Bắc tranh thủ những lúc rảnh rỗi đến thư viện của Trung tâm để đọc sách. Vốn đam mê nấu ăn từ nhỏ, Bắc luôn mượn những cuốn sách về ẩm thực, kinh doanh về đọc. “Những kiến thức có được từ những lần đọc sách miễn phí tại thư viện Trung tâm đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Ngoài sách dạy nấu ăn, tôi còn đọc sách tâm lý, giao tiếp, quản lý, kỹ năng kinh doanh… Đó là lý do vì sao sau khi rời khỏi Trung tâm, tôi đã quyết tâm mở quán ăn”, Bắc chia sẻ.

Học sinh trường THCS Đỗ Động đọc sách trong thư viện.

Không chỉ có Bắc, nhiều học sinh, người dân xã Bình Minh và các xã lân cận cũng tích lũy được nhiều kiến thức quý giá từ những cuốn sách miễn phí tại Trung tâm. Cách đây hai năm, ngoài thời gian học trên lớp, cô sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Ngoại thương vẫn hàng ngày đạp xe đến thư viện Trung tâm mượn sách tham khảo, sách nâng cao về ôn thi. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, Nguyệt đã thi đỗ hai trường đại học với số điểm rất cao.

Với số đầu  sách đa dạng, phong phú, thư viện thu hút rất đông số lượng độc giả mỗi ngày. Cậu bé Phạm Văn Cường, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Bình Minh đang say sưa bên giá truyện tranh. “Mùa hè, bọn em hay đến thư viện đọc sách. Sách, truyện vừa nhiều mà thư viện lại mát nữa. Thấy các anh chị bảo, em cũng đến thư viện để làm thẻ mượn sách được một năm rồi. Ở đây có nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo và truyện nữa. Trước đây khi chưa có thư viện này, mỗi khi dành dụm đủ tiền, em lại ra ngoài quán thuê truyện về đọc”, Cường hồ hởi khoe.

Anh Nguyễn Văn Thiêm, Bí thư Chi đoàn xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đánh giá rất cao tính tích cực của thư viện trung tâm. Anh Thiêm cho biết, đã có rất nhiều đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân trong xã được hưởng lợi từ dự án này. Để nâng cao kiến thức cho đoàn viên, Ban chấp hành Chi đoàn xã thường xuyên liên kết với Trung tâm, thường xuyên cập nhật để giới thiệu những cuốn sách hay, mới cho đoàn viên mượn đọc.

Thư viện lưu động

Với người dân thành thị, kiếm được một cuốn sách để đọc là điều đơn giản nhưng với người dân nông thôn, đọc sách dường như vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, để nâng cao hiểu biết cho người dân nông thôn tại các xã nghèo của Hà Tây (cũ), năm 2003, Trung tâm hợp tác Việt-Hàn đã mở thư viện, với hơn 2.000 đầu sách phục vụ nhu cầu người dân và học sinh. Sau 7 năm hoạt động, hiện nay, số lượng đầu sách của Trung tâm đã lên tới 7.000 cuốn. Số lượng sách phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp, lịch sử, pháp luật, các loại sách giáo khoa, sách tham khảo… thu hút khoảng 3.000 lượt độc giả mỗi năm, trong đó, có tới 20% độc giả là nông dân. Những cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc cây cảnh, chăn nuôi gia súc, cách bón phân lúa, cách nuôi cá… là kiến thức bổ ích, thiết thực giúp người dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh đó, độc giả đến đọc sách còn được tham gia cuộc thi viết cảm xúc về sách, thi đố vui… Phần thưởng là một cuốn sách hoặc là chuyến thăm quan các điểm du lịch văn hóa của Hà Nội.

Cuối năm 2009, Trung tâm triển khai thực hiện dự án thư viện lưu động, mang tên “Thư viện cùng nhau hi vọng”. Với số vốn đầu tư hơn 5.000 USD, một thư viện chuẩn cho trường THCS Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội đã ra đời. Nâng niu từng cuốn sách mới, vẫn thơm mùi giấy in, em Lưu Quỳnh Phương, học sinh lớp 9B vui mừng kể: “Trước khi thư viện hoàn thành, chúng em đã rất háo hức và nói vui là “Thư viện ơi, mở ra đi”. Đã mấy tháng nay, bọn em không phải lên tận thư viện huyện để mượn sách nữa. Ở thư viện này, bọn em vừa được đọc sách nâng cao để bồi dưỡng thêm kiến thức, vừa được đọc các cuốn truyện mình yêu thích sau những giờ học căng thẳng”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường THCS Đỗ Động cho rằng: “Thư viện mới thành lập nhưng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của học sinh. Đây là dự án mang tính xã hội hóa cao, rất bổ ích và cần thiết đối với học sinh nông thôn, bởi 100% người dân trong xã làm nông nghiệp, không có điều kiện mua thêm sách tham khảo cho các con học. Với sự ra đời của “Thư viện cùng nhau hi vọng”, chúng tôi tin rằng, từ năm nay, số lượng học sinh giỏi và thi đỗ vào cấp ba sẽ tăng lên đáng kể”.

Ông Choi EuiGyo, Giám đốc Trung tâm hợp tác Việt-Hàn cho biết: “Sau thư viện lưu động ‘Cùng nhau hi vọng’ ở trường THCS Đỗ Động, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm nhiều thư viện khác ở các xã nghèo trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi muốn giúp người dân xóa nghèo, phát triển kinh tế bền vững”.

Bài, ảnh: Nguyễn Oanh