QĐND - “Chúng tôi, Quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc:
1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Xin thề"!...
Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, như được thanh lọc tâm hồn mỗi sáng thứ hai đứng dưới cờ cùng đồng đội hô vang từ đáy lòng mình mười lần "Xin thề" thiêng liêng ấy.
Mười Lời thề danh dự (MLTDD) của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) là một bản hùng văn thấm đượm nét văn hóa đặc sắc Bộ đội Cụ Hồ. Người soạn thảo ra nó là Giáo sư sử học - người Anh Cả của QĐNDVN - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. MLTDD được đọc lần đầu tiên trong Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944) với tên gọi "Những quy định của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân". Sau đó, nó được bổ sung, hoàn chỉnh thành MLTDD và ghi vào Điều lệnh quản lý bộ đội. Một số chi tiết được thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Nhưng nội dung cơ bản của lời tuyên thệ được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Việc bổ sung, hoàn chỉnh MLTDD cũng thể hiện sự quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng ta về tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng (Đề cương văn hóa năm 1943) trong văn cách cũng như tính thời sự; làm cho văn phong giản dị, dễ hiểu. Lời lẽ trong Mười lời thề có ý nghĩa tự giáo dục sâu sắc đối với mọi quân nhân. Với quan điểm đó, Lời thề thứ nhất, từ bản đầu tiên: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới” đã được chỉnh lý, trở nên hoàn chỉnh hơn: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xin thề!”... Những ví dụ tương tự như thế dễ được nhận ra trong văn bản.
 |
Vinh quang dưới cờ Tổ quốc. |
MLTDD mang tính văn hóa pháp lý, “danh chính ngôn thuận”. Ngày 24 tháng 5 năm 1947, tại Hội nghị dân quân, tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất, được tổ chức tại Định Hóa, Thái Nguyên, Tổng quân ủy Quân đội Quốc gia và dân quân (tên gọi QĐNDVN thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp) đã công bố Sắc lệnh của Chính phủ ban hành Mười lời thề danh dự. Ít ngày sau, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia và dân quân xuất bản tài liệu "44 câu hỏi về kháng chiến" trong đó có công bố Mười lời thề nói trên. Việc tuyên thệ bằng MLTDD được Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: "Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thể chế hóa các điều trên đây trong Điều lệnh nội vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định đọc MLTDD trong Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới và Lễ chào cờ hằng tuần, hằng tháng ở các đơn vị.
Xét trên hai bình diện chính yếu: Văn hóa chính trị và văn hóa đạo đức, MLTDD đều đạt mức độ đỉnh cao. Tập trung trước hết ở chỗ, nó là mười điều tâm nguyện thiêng liêng thể hiện phẩm giá của quân nhân trong QĐNDVN trước Tổ quốc; thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của QĐNDVN. Đó là sự khẳng định QĐNDVN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo-vị thế đầy vinh dự và trách nhiệm, có “kim chỉ nam”, không bao giờ phai nhạt về mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống. Không bao giờ chệch hướng đi.
Phần lớn nội dung MLTDD là những lời tâm huyết của tự thân người lính đối với những vấn đề căn bản của văn hóa quân nhân - dạng thái đặc biệt của văn hóa làm người nói chung. Đó là lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với nhân dân: Hy sinh, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng. Kiên quyết tiêu diệt quân xâm lược. Hết lòng phục vụ nhân dân (Kính trọng dân, Giúp đỡ dân, Bảo vệ dân. Không lấy của dân, Không dọa nạt dân, Không quấy nhiễu dân... Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước. Phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa). Trong các mối quan hệ căn bản này, người quân nhân cách mạng Việt Nam có tinh thần vì nhân dân mình và vì cả đồng loại (góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội). Đó là ý thức về danh dự và phẩm giá. Giữ vững phẩm chất và truyền thống tốt đẹp, quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân, luôn tự phê bình và phê bình, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... không làm điều gì hại tới danh dự của quân đội và quốc thể. Đó là tinh thần bất khuất trước kẻ thù (nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai).
Đó là lời thề phấn đấu đến sự thống nhất giữa tình cảm đẹp (tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa) và ý chí cách mạng (kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí) để "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Đó là quan hệ cấp dưới với cấp trên. Phục tùng mệnh lệnh cấp trên một cách tuyệt đối, không chỉ bằng mặt, mà bằng cả tấm lòng, tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác bất cứ nhiệm vụ gì được giao. Ta nói “quân lệnh như sơn” là thế. Nhờ điều này mà chỉ cần một người chỉ huy là có muôn người như một. Đó còn là tình đồng đội như ruột thịt, lúc thường cũng như lúc ra trận, toàn quân một ý chí - tình cảm chân thành, cụ thể mà cũng rất bao la, rộng lớn.
Như một hệ quả tất yếu, người lính khi đã sáng rõ lý tưởng, đậm đà tình yêu đất nước thì luôn phấn đấu vươn lên: Ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt, trước hết là trình độ chính trị, ý thức chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, góp phần xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
Những điều nói trên tạo nên sự khác biệt về bản chất giữa Bộ đội Cụ Hồ với người lính thời xưa “Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai”, hoặc người lính tư sản, lính đánh thuê vì mục đích lợi nhuận và tham vọng bá quyền.
MLTDD được cán bộ, chiến sĩ toàn quân học thuộc lòng. Đối với các đơn vị chính quy, MLTDD được các chiến sĩ đọc vào mỗi buổi sáng thứ hai, khi tập hợp làm lễ chào cờ. Tất cả, không phân biệt cấp chức, đứng nghiêm trang dưới Quốc kỳ. Một chiến sĩ bước lên phía trước đọc Mười lời thề. Kết thúc mỗi lời thề, mọi người đồng thanh hô to: “Xin thề!”. Chúng tôi đã hỏi các chiến sĩ ở một số đơn vị về trạng thái tâm lý khi đọc MLTDD. Hầu như họ đều chung một cảm xúc: “Âm thanh phát ra mạch lạc, cuồn cuộn từ lồng ngực. Nhìn lá cờ trên cao, cảm thấy như quê hương, đất nước, non sông đang nghe mình đọc... cảm giác lâng lâng xúc động vô cùng!”.
MLTDD từng là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã sáng tác vở kịch Lời thề thứ chín cho Đoàn kịch nói Quân đội. Vở diễn sau đó đã được dựng ở Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát kịch Hà Nội với những thành công vang dội. Rất nhiều tờ báo, tạp chí, ấn phẩm, trong đó có Từ điển bách khoa Việt Nam (tập III, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội); Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (tập I, NXB QĐND, Hà Nội, 1977, trang 116, 117, 310, 311); Hồ Chí Minh (Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 767) đã đề cập đến MLTDD.
Ngót ba phần tư thế kỷ trôi qua, MLTDD đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt. Đó là sức sống của giá trị văn hóa vĩnh hằng - văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG