Về chiêm bái đền Mẫu Âu Cơ, mỗi người dân đất Việt được hòa mình vào không khí lễ hội, được sống trong không gian thấm đẫm huyền thoại về người Mẹ của muôn dân đất Việt. Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, muôn người dân đất Việt ở mọi miền đất nước và nước ngoài trở về đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) để tri ân công đức người mẹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

leftcenterrightdel

Di tích lịch sử Quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng, dưới gốc đa cổ thụ thuộc xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ), nơi thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, người mẹ trong huyền tích Lạc Long Quân và Âu Cơ.

leftcenterrightdel
Theo sử sách, mẹ Âu Cơ dẫn 49 người con đi khai thiên phá thạch, dừng chân ở trang Hiền Lương, dạy muôn dân trồng dâu, dệt vải, tạo dựng cuộc sống ấm no. Đến ngày 25 tháng Chạp, mẹ bay về trời, để lại dải lụa đào trên ngọn đa. Để tưởng nhớ, tri ân công đức của Mẫu Âu Cơ, đến thời Lê Sơ, nhà vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, xây dựng thành đền Mẫu Âu Cơ, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng.
leftcenterrightdel

Thần tích ghi lại rằng: Ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. 

leftcenterrightdel
Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho đến thời điểm trước lễ hội (mồng 7 tháng Giêng âm lịch), đã có hàng nghìn du khách thập phương hành hương về Hiền Lương để tri ân công đức Quốc Mẫu Âu Cơ, để chiêm bái, cầu lộc cầu tài đầu xuân.
leftcenterrightdel

Đền Mẫu Âu Cơ gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng của muôn dân đất Việt, là nơi để mỗi người dân Việt Nam dù ở phương trời nào cũng hướng về với một lòng thành kính sâu sắc như lời ông cha ta đã dạy: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. 

leftcenterrightdel
 Ban Công đồng đền Mẫu Âu Cơ được bài trí trang nghiêm, đậm sắc màu cổ kính.
leftcenterrightdel
Văn bia cổ trong khuôn viên đền Mẫu, nơi ghi lại truyền thuyết thiêng liêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ về Mẫu Âu Cơ.
leftcenterrightdel
Góc viết thư pháp được tổ chức trên đường dẫn vào đền Mẫu dịp Tết đến, xuân về để người dân, học sinh, sinh viên đến xin chữ đầu năm mong muốn được may mắn, học hành thành đạt.
leftcenterrightdel
Du xuân đền Mẫu, du khách còn chiêm bái đình Đức Ông, cách đền Mẫu chừng 800m, là nơi phụng thờ ngài Đột Ngột Cao Sơn - người con trai thứ hai của Mẫu Âu Cơ, cha của hai vị tướng giỏi thời đại Hùng Vương là Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc.
leftcenterrightdel
Từ bao đời nay, người dân Hiền Lương huyện Hạ Hòa tổ chức trang trọng lễ hội đền Mẫu Âu Cơ vào mồng 7 tháng Giêng. Để làm các lễ vật dâng lên Mẹ, đến gần ngày lễ, người dân Hiền Lương bơi thuyền ra giữa sông Hồng, chọn nơi nước trong nhất múc nước về để chế biến các thứ bánh và lễ dâng Quốc Mẫu.
leftcenterrightdel

Lễ tế Nữ quan trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, một nghi lễ thiêng liêng, quan trọng, là điểm nhấn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. 

leftcenterrightdel

Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy được huyện Hạ Hòa tổ chức hằng năm vào dịp xuân về để tri ân công đức của Mẫu Âu Cơ và tiên tổ, để mỗi du khách có những trải nghiệm về văn hóa nơi cội nguồn dân tộc. 

leftcenterrightdel
Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hóa có giá trị nhiều mặt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Trải qua thời gian, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, đền Mẫu Âu Cơ còn là biểu tượng thiêng liêng cho nguồn cội của dân tộc Việt, nơi mỗi người dù ở nơi đâu, dù có đi tới chân trời góc bể vẫn hướng về để tri ân công đức tổ tiên, để tự hào về nguồn cội của mình. 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.