Áo tứ thân xuất hiện vào những năm 1920-1930 của thế kỷ 20. Áo dài từ cổ buông xuống dưới đầu gối chừng 20cm. Áo có hai vạt trước và sau. Vạt trước có hai tà tách riêng nhau theo chiều dài. Vạt sau cũng chia làm hai nhưng khâu vào với nhau, hình thành một đường dài gọi là xống áo. Vì ở thời này, khổ vải chỉ chừng 35-40cm nên phải can hai tà lại với nhau để thành một vạt
 |
Liền chị quan họ. Ảnh: HỒNG PHÚC |
áo. Như vậy vẫn gọi là áo tứ thân. Áo tứ thân gồm hai vạt, bốn tà. Áo tứ thân không có khuy, dài và có hai tai áo để xỏ vào khi mặc. Bên trong, người con gái mặc chiếc yếm. Có thể là yếm cổ xây hoặc yếm cánh nhạn, xẻ sâu xuống mãi tận dưới. Yếm có màu sẫm dành cho các bà đứng tuổi, còn màu đào, thắm đỏ dành cho các cô gái trẻ. Màu yếm này làm cho yếm có tên là “
yếm bỏ bùa cho sư”. Ngoài yếm là chiếc áo cánh mỏng màu trắng tinh. Cô gái lại tết ra ngoài chiếc dây lưng xanh giữ nhẹ sự kết hợp giữa áo cánh ngắn với cạp váy hoặc quần đen. Ngoài cùng là chiếc áo tứ thân buông xuống tha thướt làm cho thân hình cô gái được gọn gàng, thon thả. Áo tứ thân không có khuy. Khi mặc, xỏ tay vào hai tay áo. Thế là đủ bộ để có thể vừa làm việc vừa tung tẩy dạo chơi.
Vào khoảng năm 1935, làng thợ may Trạch Xá-Vân Đình (Hà Nội) có cải tiến áo tứ thân là đơm một vài chiếc khuy bấm nhỏ vào phía nách và đính khuy bấm vào tay áo, làm cho nhà thơ Nguyễn Bính phải bức xúc giãi bày:
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi…
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Nào đâu cái áo tứ thân!…
Cũng phải nói thêm về làng thợ may Trạch Xá (Vân Đình). Nơi đây, hầu như cả làng đều làm nghề mấy trăm năm nay. Nhiều gia đình đã rủ nhau ra Hà Nội sinh sống và mở cửa hàng may. Chính những người thợ may làng Trạch Xá đã góp công và sáng kiến trong việc cải tiến các loại trang phục cổ cho người dân Hà Nội và các nơi khác. Trong đó có việc cải tiến chiếc áo dài Việt Nam.
Lúc này, người ta cho thêm một cái tà vào bên trong tà áo phía trước gọi là tà kép rồi thắt chiếc bao xanh ra hẳn bên ngoài cùng. Và sau đó, cái tà được thêm vào lại bị cắt đi quá nửa. Mặc kiểu này, có người vẫn gọi là áo tứ thân. Nhưng cũng có người gọi là áo năm thân. Người Quan họ mặc kiểu áo tứ thân này. Khi đi trẩy hội Lim, cô gái Quan họ mặc ở ngoài cùng là chiếc áo tứ thân rồi bên trong mặc thêm hai cái áo tứ thân mỏng và khác màu nhau để hợp thành cặp áo mớ ba, mớ bảy nổi tiếng. Khi liền anh, liền chị phải chia tay nhau, kẻ Bắc người Nam, hát câu: “Con nhện giăng mùng” liền chị quan họ nâng tà áo tứ thân lên, người ta thấy: “Hai bên tà áo ướt đầm như mưa”.
Tượng đài thời trang của cô gái Việt Nam mặc áo tứ thân thật ưa nhìn. Chiếc áo tứ thân trở thành một bức vẽ ấn tượng rất tự nhiên. Trên thân cô gái lại bừng lên cái màu xanh êm dịu, màu xanh của lúa làm mát mắt qua cái thắt lưng bao xanh vắt vẻo để tôn vinh cái màu đỏ đầy sức sống trên chiếc yếm che bộ ngực nở nang, mây mẩy. Cô đặt chân lên đôi guốc mộc để gieo lên những tiếng nhạc mỗi khi cô bước đi. Tay cô cầm chiếc nón quai thao (ba tầm) hờ hững che một chút khuôn mặt trái xoan đoan trang mà thánh thiện của cô gái vấn khăn, tóc bỏ đuôi gà.
Áo tứ thân có trước cái áo cài khuy bấm. Con, cháu, hậu duệ của áo tứ thân hiện được hoan nghênh trên thế giới. Chúng luôn được cải tiến, bổ sung để ngày càng hấp dẫn, kiêu sa, sang trọng, tâm linh.
Chúng ta tự hào về chiếc áo dài Việt Nam ngày nay. Chúng ta cũng tự hào về chiếc áo tứ thân. Xuân về, người ta lại nhắc đến câu: “Mưa phùn ướt áo tứ thân”…
LÝ KHẮC CUNG
(Nhà văn, nhà nghiên cứu)