Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp đã có thời gian trau dồi, tích lũy cộng với cái nhìn mới và hệ thống về những phạm trù thẩm mỹ của người Việt thể hiện qua hàng loạt công trình lý luận nổi bật. Ở công trình thứ năm của cá nhân anh là “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” (Nhà xuất bản Mỹ thuật, năm 2022) tiếp tục là những phát triển nhiều vấn đề đã được triển khai trước đó, đồng thời nhằm mục đích minh định, đối sánh nghệ thuật Việt Nam với những nền nghệ thuật lớn trên thế giới. Từ đó, anh cố gắng hình dung khả năng phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
 |
Bìa cuốn sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”. |
“Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” có sự nhất quán với các công trình trước đó, dựa trên cách tiếp cận ký hiệu học và biểu tượng nghệ thuật. Cùng với đó, Vũ Hiệp tiếp cận nghệ thuật nhìn từ văn hóa học và xã hội học, ở đây là vấn đề tâm lý dân tộc và kiến tạo luận về bản sắc cộng đồng.
3 khái niệm chính mà anh sử dụng: Cá tính tập thể, tự sự cộng đồng và huyền thoại là khả thi trong việc nhận diện các nền nghệ thuật, nó vừa giúp ta thấy tính thống nhất và tiếp nối trong một nền nghệ thuật, vừa giúp ta so sánh và nhìn ra sự khác biệt với các nền nghệ thuật khác. Sự thuyết phục trong quan điểm này cũng như ở toàn bộ cuốn sách luôn là khả năng nhận định xác đáng và cái nhìn mới mẻ trong đánh giá về các tác phẩm nghệ thuật, nhất là chỉ ra các mã văn hóa-thẩm mỹ ẩn sau mỗi tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, cuốn sách này theo tôi có sự kết hợp tốt giữa tư duy lý luận và kinh nghiệm thẩm mỹ, nhìn thấy nghệ thuật ở chiều kích rộng lớn và phức tạp với một cái nhìn nhất quán.
Từ việc thông tỏ lý luận và có sự so sánh khá toàn diện với hầu hết các nền nghệ thuật lớn của thế giới, anh đã có sự định danh thuyết phục về các đặc trưng nghệ thuật của người Việt mà anh gọi đó là cá tính tập thể về nghệ thuật của người Việt, là: Lai (tính chiết trung, lai ghép), tùy (tính linh hoạt, tùy biến), hòa (tính hài hòa)... Bảng các khái niệm, quan niệm thẩm mỹ này đã đủ chứng minh nghệ thuật của Việt Nam rất đặc sắc vì chúng ta có những quán tính, tập quán thẩm mỹ và văn hóa riêng.
Cuối cùng, vì nhìn thấy những vấn đề trong việc kiến tạo nền nghệ thuật Việt Nam, anh đã có những đề xuất về mặt định hướng, trong đó có “Đông Nam Á tâm luận”-nghệ thuật Việt Nam nên chủ động kiến tạo trong môi trường Đông Nam Á, thay vì mải miết chạy theo các nền nghệ thuật xa xôi.
Cuốn sách được anh viết với văn phong khúc chiết, dễ hiểu và hầu hết độc giả đại chúng có thể đọc được, song vẫn thể hiện được những vấn đề lý luận phức tạp. Cuốn sách chắc chắn cần thiết đối với những công chúng yêu nghệ thuật, nhất là những nghệ sĩ và bộ phận quản lý văn hóa-nghệ thuật. Có tư duy lý luận rõ ràng mới là điều kiện để hành động sáng suốt và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cuốn sách có những gợi ý hay trong việc “đọc” tác phẩm nghệ thuật, ví dụ việc anh lý giải bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn từ cổ mẫu cây trong văn hóa Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp sinh năm 1982, tốt nghiệp ngành kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc-Xây dựng Saint Peterburg (Liên bang Nga); hiện là giảng viên tại Trường Đại học Giao thông vận tải. Sách đã xuất bản: "Tinh thần khai phóng của nghệ thuật" (Nhà xuất bản Mỹ thuật, năm 2015), "Đô thị Việt Nam-góc nhìn từ những nơi chốn" (Nhà xuất bản Xây dựng, năm 2016), "Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật" (Nhà xuất bản Mỹ thuật, năm 2018), "Sự kiến tạo các nền nghệ thuật" (Nhà xuất bản Mỹ thuật, năm 2022)...
Các tác phẩm của nhà nghiên cứu Vũ Hiệp đã được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2017 (giải Đồng), năm 2019 (giải Bạc), năm 2021 (giải Đồng); Giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019; tặng thưởng mức A Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2020.
|
DƯƠNG CẢNH