1. Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi vừa có chuyến thăm Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh, mục sở thị hệ thống trưng bày và nhất là được nghe các cựu chiến binh làm công tác quản lý giới thiệu khái quát, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình trao đổi chuyên môn, học sinh, sinh viên tới tra cứu tài liệu; càng thấy sự hữu ích của Bảo tàng từ chủ trương xã hội hóa phát triển văn học-nghệ thuật là hết sức đúng đắn.
Chủ trương xã hội hóa bắt đầu tiến hành cùng với công cuộc đổi mới đất nước. Cần hiểu xã hội hóa không chỉ là câu chuyện kinh phí mà còn là ý tưởng, công sức... huy động từ khu vực tư nhân.
 |
Nhà văn Minh Chuyên (thứ tư, từ phải sang) cùng với các bạn văn tại Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh. Ảnh: THU TRANG
|
Từ nguyện vọng của đội ngũ cựu chiến binh tâm huyết với văn học-nghệ thuật đề tài chiến tranh và hậu chiến, đặc biệt đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nền văn học cách mạng trong đó có các tác phẩm văn học thời hậu chiến của thế hệ trẻ, đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhà văn, Anh hùng Lao động Minh Chuyên đã xây dựng và tạo điểm nhấn tham quan về chiến tranh với Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Đây là bảo tàng tư nhân của nhà văn Minh Chuyên được UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ cấp đất và kinh phí xây dựng. Bảo tàng với tổng diện tích 1.500m2 gồm nhiều hạng mục có giá trị không nhỏ đối với công chúng muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam từ các tác phẩm văn học-nghệ thuật trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhất là thời hậu chiến sau dấu mốc 1975, dấu mốc đổi mới 1986 đến nay, phục vụ tích cực việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.
Nhà văn Minh Chuyên đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho Bảo tàng cũng chính là sự tri ân với đồng chí, đồng đội, nhất là những thân phận chịu nhiều thua thiệt sau chiến tranh. Không chỉ tỉnh Thái Bình tự hào về một nhà văn đã có những đóng góp đích đáng cho văn học chiến tranh cách mạng mà giới văn bút thế hệ Minh Chuyên, thế hệ sau ông đều rất tự hào.
2. Trong các câu chuyện của chúng tôi về những đóng góp hữu ích của nhà văn với xã hội, cái tên Minh Chuyên luôn được nhắc đến nhiều nhất. Chính các ông đã góp phần để giới trẻ hôm nay nhìn vào đó, phấn đấu học tập và trưởng thành. Đó là những điều vô cùng hữu ích.
Nhà văn Minh Chuyên được biết đến với tác phẩm “Người không cô đơn” chính là một cuộc kiếm tìm, khơi dậy và thể hiện trách nhiệm với những người chịu thiệt thòi trong chiến tranh. “Người không cô đơn” là câu chuyện có thật về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc ở TP Thái Bình. Mặc dù anh đã có giấy báo tử về gia đình nhưng sự thật là anh vẫn còn sống. Ngòi bút của Minh Chuyên trong “Người không cô đơn” vừa trung thực vừa hết sức linh hoạt. Câu chuyện người thực, việc thực mà vô cùng lấp lánh và thậm chí là nhói buốt. Ở đây, văn học đã đạt đến một đỉnh cao, đó là nói về con người, đánh thức con người để phục vụ tốt hơn cho con người trong mọi hoàn cảnh. Ngòi bút của Minh Chuyên chính là trái tim tha thiết của ông, của giới văn bút, của người Việt Nam với đồng bào ruột thịt của mình. Trách nhiệm công dân và trách nhiệm nhà văn trong “Người không cô đơn” đã hòa vào làm một.
Toàn bộ cuộc sống và cuộc viết của nhà văn Minh Chuyên tới hôm nay đều là hướng tới sự thiện lành của mỗi con người. Để dựng lên Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh, ông cùng với các đồng đội, các doanh nhân, trí thức có tâm huyết vận động các nguồn lực để xây dựng, duy trì và phát triển bền vững Bảo tàng một cách thiết thực, hiệu quả, chính là một điển hình về xã hội hóa trong phát triển văn học-nghệ thuật hiện nay. Các hạng mục của Bảo tàng tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện hơn. Hạng mục mô phỏng tuyến đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trên đất liền và trên biển được phục dựng khá công phu, giàu tính thẩm mỹ và tính giáo dục văn hóa lịch sử càng tăng thêm giá trị của Bảo tàng từ nguồn lực xã hội hóa.
Bằng sức hút chiều sâu của Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh, các nhà văn Việt Nam đương đại có tác phẩm về đề tài trên cơ bản đã trao tặng tác phẩm, bàn giao bản thảo để nhà văn Minh Chuyên cùng cộng sự tổ chức xuất bản các bộ sách về đề tài chiến tranh và hậu chiến mà trong đó mảng sách về di chứng chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng tới con người sau chiến tranh rất được chú trọng. Đây là một đóng góp rất lớn, có chiều sâu về văn học-nghệ thuật của nhà văn Minh Chuyên với đất nước.
Nhà văn Minh Chuyên sinh năm 1948, tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ năm 1967, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 1976, ông chuyển ngành về làm phóng viên Báo Thái Bình, sau đó làm biên kịch phim tài liệu ở Đài Truyền hình Việt Nam. Nhà văn Minh Chuyên đã xuất bản hàng chục đầu sách, trong đó viết và chủ biên 25 tập văn thơ “Nỗi đau sau chiến tranh” (2018-2024). Năm 2022, ông được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng xác lập là nhà văn, đạo diễn sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình về đề tài hậu chiến tranh nhiều nhất, có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Năm 2017, nhà văn Minh Chuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Năm 2024, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
|
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.