Không hiểu vì sao cây bút Võ Diệu Thanh sau đó lại lặng lẽ và kiệm chữ. Ít ai biết rằng, đấy là một cuộc ngồi im để quan sát, để chiêm nghiệm, để tích trữ vốn sống và năng lượng. Sau đó 15 năm, khi đã là cô giáo trường làng ngày ngày đến lớp dạy trẻ, chị bỗng trở lại văn chương với giải Nhì trong Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ tư với tập truyện ngắn “Cô con gái ngỗ ngược” và sau đó là giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2011.

Nhà văn Võ Diệu Thanh. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Theo dõi quá trình sáng tác của chị, tôi cảm phục sức đi, sức viết của người phụ nữ gầy gò nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và ý tưởng. Như sông khi ròng, khi lớn nhưng không bao giờ chịu đứng yên. Dường như cái thú đi thực tế để tìm nguồn sáng tác của chị chưa bao giờ vơi cạn. Nếu chỉ tính về số bước đi, chắc hẳn chị không thua kém bạn viết An Giang nào cùng thời... Nhân vật chẳng ở đâu xa, họ là những người xung quanh chị, bình dị, mộc mạc nếu không muốn nói là bình thường như bao người khác. Chỉ chị-với thiên chức nhà văn và cái nhìn nhân ái-đã nhìn ra và lột tả tâm trạng sầu thương, buồn khổ, hận thù... Và hơn bao giờ hết, chị luôn thấy được sau lớp nội tâm ấy là ánh lên sự hy vọng, vị tha, bao dung của bản chất con người miền sông nước. Sống vị tha như đất đai, bao dung như sông nước và luôn vươn lên về phía ánh sáng như cây cối muôn đời.

Những truyện ngắn: “Cô con gái ngỗ ngược”, “Bức thêu Quan Âm”, “Người đàn bà đa tình”, “17 cây số đường ma”... và tiểu thuyết “Lần đầu thấy trăng”, nhân vật chính trong các tác phẩm của nhà văn Võ Diệu Thanh đều là phụ nữ. Có lẽ cùng thân phận phụ nữ miền Tây, chị dễ dàng thấu hiểu và cảm thông với họ hơn “một nửa còn lại của thế giới”. Nếu làm một cuộc thống kê đời sống của phụ nữ, người ta có thể đưa ra những con số cụ thể, chi tiết để người đọc nghiên cứu, đối chiếu. Tuy nhiên, với nhà văn, chị không đưa ra con số mà kể những câu chuyện nhỏ quanh tiểu vùng văn học của mình, nhưng độc giả vẫn thấy được rõ ràng không chỉ đời sống mà còn cả thân phận, tâm trạng, ước mơ của con người miền đất An Giang nói riêng và miền Tây nói chung.

Là giáo viên tiểu học dạy môn Mỹ thuật, hơn 20 năm theo nghề, bao giờ xung quanh chị cũng xôn xao tiếng nói của trẻ thơ và sắc màu sáng tạo rất ngây thơ. Có lẽ do vậy mà sau những trang văn đầy nội tâm hỉ-nộ-ái-ố, chị vẫn dành một khoảng đất tươi tốt để xới tơi lên và gieo vào đó những cây hoa văn học dành cho thiếu nhi. Từ truyện “Siêu nhân cua”, “Tiền của thần cây” cho đến “Thiên thần Ốc Tiêu”, truyện nào cũng gây được sự đồng cảm “như thấy mình trong truyện” của độc giả nhỏ tuổi và thấy “ký ức hiện về” cả ở độc giả người lớn. Phải chăng, niềm hạnh phúc đồng cảm ấy của độc giả là những đóa hoa dành tặng các nhà văn hết mình dấn thân với nhân vật-trang viết và độc giả.

Đọc tác phẩm của chị, tôi cảm nhận rằng chị-người kể-không chỉ lao động nghệ thuật để cho ra sản phẩm mà còn ngồi ngay trong câu chuyện ấy. Chị là một nhân vật không nói gì về mình, chị nói cho nhân vật, nói thay nhân vật những điều sâu kín tận đáy lòng. Và bao giờ kết thúc mỗi tác phẩm, chị cũng níu kéo người đọc đứng lại để nhìn theo nhân vật, xem họ sẽ vượt thoát ra sao, vươn lên như thế nào...

Tôi thích đặt sách của chị kề bên những tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ khác. Sự khắc nghiệt của thời gian sàng lọc; sự trôi chảy, biến chuyển của văn chương miền Tây mấy thập kỷ qua đã cho thấy, “mảnh đất” Võ Diệu Thanh vững chảy đứng giữa dòng phù sa bồi lở. Những trang văn chị vẫn bồi đắp phù sa đi về phía trước dẫu sau lưng cây cối đã thành rừng!

Nhà văn LÊ QUANG TRẠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.