Được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phố biến rộng rãi nhất”, nhạc sĩ Phạm Tuyên với hơn nửa thế kỷ đã sáng tác cho thiếu niên, nhi đồng hơn 200 tác phẩm. Các sáng tác cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên đều có điểm chung là mộc mạc, mang đậm âm hưởng dân gian, ca từ giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc.
Trong những bài hát của mình, ông cũng khéo léo gài gắm những bài học, những triết lý nhân sinh đơn giản. Điều này cho thấy ở ông có sự nghiên cứu, tìm hiểu nhất định tâm lý và sở thích của khán giả lứa tuổi này. Bởi thế, những sáng tác dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trở nên quen thuộc trong ký ức của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
 |
Một buổi tuyển chọn giọng hát nhí tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với gia đình nhạc sĩ thực hiện. |
Mối lo của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng là trăn trở của nhiều người. Không khó để bắt gặp một giọng ca nhí, song ca, tam ca hay tốp ca nhí biểu diễn ở các sự kiện, cuộc thi âm nhạc với một ca khúc của người lớn. Từ “Đất nước trọn niềm vui” đến “Quê hương tình yêu và tuổi trẻ” hay thậm chí là “Trả nợ tình xa”... Trong buổi trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023, tổ chức vào đầu năm 2024, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, năm 2023 ghi đậm dấu ấn những thành tích trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc.
Thế nhưng trong tổng số 93 tác phẩm, chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc chỉ có 8 tác phẩm ca khúc thiếu nhi được trao giải (trong đó giải cao nhất được trao cho “Cánh én nhỏ bay tới đảo xa” của nhạc sĩ Văn Thành Nho, TP Hồ Chí Minh); không có chương trình thiếu nhi nào được trao giải, tôn vinh.
“Nhạc thiếu nhi không mang lại lợi nhuận, danh tiếng, nhưng tôi viết vì muốn được cống hiến, muốn được làm điều ý nghĩa, thiết thực cho cuộc sống”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả của ca khúc đi vào lòng người “Nhật ký của mẹ” tâm huyết chia sẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng phân tích, trước kia có rất nhiều chương trình ca múa nhạc thiếu nhi trên khắp cả nước, hoạt động âm nhạc thiếu nhi trên các sân khấu tại các địa phương rất mạnh, ngay cả khung “giờ vàng” trên các kênh truyền hình đều dành ưu tiên phát nhạc thiếu nhi, chẳng hạn như Chương trình “Những bông hoa nhỏ”, còn hiện nay chương trình cho thiếu nhi trên cả đài phát thanh lẫn truyền hình đều bị hạn chế rất nhiều.
Rồi những loa phóng thanh ở các khu phố, các trường học luôn phát nhạc thiếu nhi, đặc biệt, các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi luôn nhận được sự ủng hộ, sự trân trọng của cơ quan chức năng cũng như khán giả. Với nguồn lực, sự quan tâm mạnh mẽ, kênh phát hành rộng khắp và ưu tiên như vậy thì những bài hát thiếu nhi được lan tỏa và trở nên quen thuộc đối với các em là điều đương nhiên.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho biết thêm, Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phát triển âm nhạc thiếu nhi. Bên cạnh khuyến khích và vận động hội viên sáng tác, cổ vũ hội văn học, nghệ thuật địa phương, Hội đồng Đội Trung ương và nhất là ngành giáo dục phát động các cuộc thi, liên hoan âm nhạc, trại sáng tác cho thiếu nhi, Hội khôi phục Ban Âm nhạc thiếu nhi, tổ chức giải thưởng âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các liên hoan, festival âm nhạc thiếu nhi, tạo sân chơi cho các nhạc sĩ đưa sáng tác mới đến với công chúng, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc nhỏ tuổi.
Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.