Hỏi chuyện mới biết, hai anh chị là đồng tác giả nhiều ca khúc viết về những người lính ngày đêm canh giữ biên cương, về tình hữu nghị giữa các quốc gia, được giới chuyên môn ghi nhận tích cực về chất lượng.

Một bài thơ được phổ nhạc có cơ hội tiếp cận đông đảo công chúng; bài hát nhờ có ca từ đẹp, giàu chất nhạc theo lẽ tự nhiên cũng được nâng tầm nghệ thuật. Vậy nên, nhà thơ và nhạc sĩ luôn được coi là đồng tác giả của ca khúc, nếu quan niệm bên nào quan trọng hơn, ai “mắc nợ” ai, đều là không đúng.

       Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh (thứ năm, từ trái sang) nhận giải B Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021 cho ca khúc "Những người trai đi trong lòng biển", phổ thơ Phạm Thị Vân Anh.Ảnh do nhân vật cung cấp.

Để sáng tác một bài hát phổ thơ không hề dễ dàng. Những bài thơ nổi tiếng như “Chân quê” (Nguyễn Bính), “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan)... có đến vài ba nhạc sĩ cùng phổ nhạc. Nhưng trụ lại với thời gian, thường chỉ có một bài duy nhất, lạ lùng hơn, có khi bài hát đó lại do một nhạc sĩ ít tên tuổi sáng tác. Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Có rất nhiều yếu tố làm nên thành công của một bài hát phổ thơ: Tài năng của người nhạc sĩ; trạng thái tâm lý và cảm xúc sáng tạo tại thời điểm tiếp nhận bài thơ; bản thân bài thơ dễ hay khó phổ nhạc... Đôi khi rất khó lý giải một cách tường minh, có chút gì đó “trời cho” có thể gọi là “duyên số”.

Nhắc đến “duyên số”, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh kể rằng, trước đây anh là nhạc công vĩ cầm, công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 3, vốn không có ý định theo đuổi sáng tác. Mùa hè năm 1995, trong chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa, tình cờ được xếp chung phòng với Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho. Tác giả ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” đột nhiên hỏi anh có thích sáng tác không. Anh trả lời cho “phải đạo” là thích nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Thế là, 15 ngày công tác cũng là 15 ngày anh học “vỡ lòng” về sáng tác. Gần 30 năm trôi qua, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh vẫn nhớ như in những bí quyết nhạc sĩ Doãn Nho chỉ dạy, như: Trong đầu xuất hiện bất cứ melody (giai điệu) nào thì ký âm ngay vào sổ tay, sau này sẽ hữu dụng. Như trường hợp đoạn nhạc mở đầu ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” có trước cả khi nhạc sĩ Doãn Nho đọc bài thơ về lính xe tăng của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhạc sĩ Doãn Nho khuyên anh đọc nhiều thơ để tìm nét nhạc, phát triển nội dung và giai điệu cho ca khúc.

Được “cây đại thụ” của âm nhạc quân đội truyền lửa, Nguyễn Tuấn Anh quyết chí theo con đường sáng tác. Chỉ trong thời gian ngắn, anh cho ra đời gần 10 ca khúc. May mắn cho anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 3 rất tạo điều kiện cho anh báo cáo sáng tác mới, cử đi học sáng tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Về sau, Nguyễn Tuấn Anh chuyển về công tác tại Đoàn Văn công BĐBP, anh lại quen biết nhà thơ Vân Anh. Không chỉ cùng là quân nhân mang quân hàm xanh, nhà thơ Vân Anh cũng có hiểu biết về âm nhạc. Thế nên, các bài thơ theo thể tự do của chị khi viết về chủ đề người lính, biên cương và tình hữu nghị rất giàu chất nhạc, khỏe khoắn, có nhiều gợi ý để anh sáng tác nhanh chóng những ca khúc đậm chất lính, hợp với người lính.

Trong 5 năm trở lại đây, những ca khúc kết hợp thơ và nhạc của hai nghệ sĩ, chiến sĩ Tuấn Anh-Vân Anh là “Tiếng hát từ cột mốc ba biên”, “Những người trai đi trong lòng biển”, “Tiếng hát từ ngã ba Đông Dương” đã giành giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, huy chương vàng tại các hội diễn, liên hoan toàn quân và toàn quốc.

Được ghi nhận, tôn vinh tất nhiên là niềm vui lớn của hai nghệ sĩ. Các ca khúc này đã được chọn biểu diễn tại lễ trao giải, cuộc giao lưu tiếng hát hữu nghị..., nhận được những tràng vỗ tay, lời khen ngợi của các nhà chuyên môn, của bạn bè quốc tế, bước đầu được công nhận về giá trị nghệ thuật.

Dù bận rộn với vị trí Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP, nhạc sĩ Tuấn Anh vẫn luôn dành thời gian sáng tác ca khúc về đề tài người lính. Trên con đường sáng tạo nhọc nhằn của người nhạc sĩ, những bài thơ của nhà thơ Vân Anh luôn đồng hành, sẻ chia những cảm xúc, gắn bó thăng hoa mối lương duyên đặc biệt giữa thơ và nhạc.     

HOÀNG HOÀNG