Luôn vì nước, vì dân
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã sưu tập được gần 15 vạn hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật quý gắn với huyền thoại lịch sử. Tham quan triển lãm “Tri ân đồng đội” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức trong những ngày tháng 7 này, bạn Bùi Thu Hậu (sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên, xúc động khi trực tiếp ngắm nhìn cuốn sổ công tác của Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân-biểu tượng của kháng chiến chống Mỹ với câu nói bất tử: “Nhằm thẳng quân thù! Bắn!”. Cuốn sổ được bắt đầu ghi chép từ ngày 2-6-1964, chỉ 5 tháng sau đó, Anh hùng Nguyễn Viết Xuân hy sinh trong trận chiến bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Cuốn sổ được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gìn giữ đặc biệt, chỉ được trưng bày vào những sự kiện quan trọng. Bởi lẽ nhìn thấy hiện vật này, tất cả những người Việt Nam sinh trưởng trong hòa bình như bạn Hậu đều có thể liên tưởng đến lời hô dõng dạc của người anh hùng, trở thành khẩu hiệu quyết tâm chiến đấu của Quân đội ta trên khắp các chiến trường.
 |
Công chúng tham quan hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: THANH TÙNG. |
Cũng trong triển lãm “Tri ân đồng đội”, lần đầu công bố hiện vật gắn với sự hy sinh của Anh hùng Nguyễn Kim Vang, Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang, Ban An ninh tỉnh Phú Yên vào đêm 26-1-1972. Đồng chí Nguyễn Kim Vang bị địch phục kích tại cơ sở bí mật ở thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Người dân địa phương tìm thấy chiếc lư đồng bị đạn xuyên thủng, nằm trên vũng máu gần nơi Anh hùng Nguyễn Kim Vang ngã xuống.
Tháng 5 vừa qua, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (em trai Anh hùng Nguyễn Kim Vang) đã trao tặng đôi lư đồng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Hiện vật đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khách tham quan về người anh hùng quê Quảng Ngãi đã mưu trí chỉ huy nhiều trận đánh diệt nhiều Mỹ, ngụy và chư hầu trên mảnh đất Phú Yên.
Tinh thần chiến đấu hy sinh quên mình vì nước, vì dân của các anh hùng liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh luôn được thế hệ cán bộ, chiến sĩ giữ vững, tô thắm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Cũng lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng là nhóm hiện vật của các liệt sĩ tham gia đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, năm 2020. Công chúng xúc động khi nhìn thấy những hiện vật còn dính vết bùn của những liệt sĩ quên mình cứu dân trong thiên tai, bão lũ lịch sử ở miền Trung...
Sức mạnh tinh thần góp phần làm nên những chiến thắng
Khai thác sâu góc nhìn về đời sống riêng tư của những thương binh, liệt sĩ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã giới thiệu 12 câu chuyện xúc động của những người lính và người thân trong Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”.
Thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký đã kể những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly. Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu; đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của GS, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh; tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn... Nói như nhà văn, cựu chiến binh Chu Lai: “Gian khổ ác liệt, ngăn cách bởi không gian và thời gian nhưng đôi lứa vẫn vượt qua được chính là nhờ sự lãng mạn cách mạng gắn với lý tưởng, trách nhiệm với Tổ quốc, chứ không phải là sự lãng mạn bi lụy”.
Công chúng đặc biệt ấn tượng với câu chuyện do bà Vũ Thị Lui kể về mối tình “vĩnh cửu” với liệt sĩ Trần Minh Tiến. Mối tình đó có nhiều cung bậc cảm xúc, có cả lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước. Hai người ước mơ về tình yêu, hạnh phúc bình dị, lời hẹn ước và cả những vật đính ước họ tặng cho nhau: Ông tặng bà chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn bà tặng ông chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Họ đã mật ước với nhau rằng nếu bà nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là ông đã hy sinh và bà đi lấy chồng.
Ông Trần Minh Tiến hy sinh năm 1968. Thời gian trôi, bà Lui cũng đã có một gia đình với người chồng là một cựu chiến binh luôn thấu hiểu, trân trọng mối tình đầu của bà với người liệt sĩ. Tình yêu ấy càng trọn vẹn hơn khi ròng rã suốt 8 năm, sau 51 chuyến đi từ Hà Nội vào Quảng Trị, bà Lui đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Trần Minh Tiến và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Cho đến nay, liệt sĩ Trần Minh Tiến được coi là một thành viên trong gia đình bà Lui.
Dù được thể hiện dưới góc nhìn nào, công việc thầm lặng nhưng vẻ vang của đội ngũ làm bảo tàng là giới thiệu cho công chúng những hiện vật giá trị, có sức lan tỏa những câu chuyện nhân văn về các thương binh-liệt sĩ. Mỗi hiện vật là một câu chuyện vô giá nhằm giáo dục truyền thống trực quan, sinh động. Để thế hệ hôm nay luôn biết ơn công lao, xương máu những người đi trước để có sự yên vui trong hòa bình, trong hạnh phúc bình dị của cuộc sống mến thương.
TRẦN HOÀNG HOÀNG