Công trình công viên bên ngoài Nghĩa trủng Hòa Vang do UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 6.184 m2 (được xây dựng trên khuôn viên của Bệnh viện Y học cổ truyền cũ đã di dời), gồm các hạng mục: Sân hành lễ và các tiểu cảnh xung quanh sân hành lễ; Chiếu dâng hương và cảnh quan phía trước cổng vào nghĩa trủng; Khu công viên cây xanh, công viên ký ức; Đài phun nước; mở rộng đường Trịnh Hoài Đức từ 3,5m lên 10,5m; cải tạo và lát lại gạch vỉa hè xung quanh dự án; sân nền bê tông lối vào chính; bãi đỗ xe; vịnh đậu đỗ xe; hệ thống đường dạo, đường giao thông; hệ thống cây xanh, ghế đá; hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tường rào mềm xung quanh.
 |
Các đại biểu dự lễ khởi công dự án công trình mở rộng công viên bên ngoài Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang.
|
Công viên bên ngoài Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang trong tương lai được xem là công trình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn quận Cẩm Lệ nói riêng và cả thành phố Đà Nẵng nói chung. Công trình nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác tiềm năng, phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn quận.
Quần thể khu di tích sau khi được đầu tư, tôn tạo sẽ là nơi tụ họp hành lễ, sinh hoạt hằng năm của cộng đồng dân cư trên địa bàn, để tưởng nhớ công ơn các tướng sĩ vì nước quên thân trong cuộc kháng chiến chống Pháp của cha ông; là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn âm nhạc cổ truyền, tôn vinh nghệ thuật dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Nghĩa trủng Hòa Vang (hay còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung) được coi là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên trong cả nước, nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa Khuê Trung, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) gồm các phế tích tháp Hóa Quê, Miếu Bà, giếng cổ Chăm và Nhà thờ Tiền hiền làng Hóa Quê, là nơi an nghỉ của hơn 1.000 nghĩa sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh trong những ngày đầu đấu tranh, chống thực dân Pháp của dân tộc (1858-1860); Di tích Nghĩa trủng Hòa Vang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1999.
Đến năm 2009, quận Cẩm Lệ tiếp tục quy tập thêm 2 vị tướng lĩnh từ Nghĩa trủng Phước Ninh, tên tuổi của các nghĩa sĩ gắn liền với các chiến công ở thành Điện Hải cùng với Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý...
Tin, ảnh: TRƯỜNG LƯU