Đọc sách… dễ dãi

Văn hào người Pháp A.France trong hồi ký đã tự bạch: Trí tưởng tượng và tình cảm ông có được bắt đầu từ tủ sách cũ của cha ông để lại. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thừa nhận, ấn tượng đẹp đẽ nhất về cuộc sống và con người ở chính tủ sách bé mọn của gia đình. Trí khôn của nhân loại ẩn náu trong tủ sách. Một tủ sách gia đình được trân trọng sẽ chắp cánh cho tuổi thơ nhiều thế hệ biết nâng niu và khám phá “bí mật cao đẹp” mà sách mang lại.

Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) thích thú với những cuốn sách của NXB Kim Đồng nhân ngày khai trương thư viện trường tháng 5-2016. 

Một thực tế đang diễn ra thời nay là khi cuộc sống vật chất được nâng cao, con người có thể tìm ra nhiều trò giải trí thông qua nút bấm điện tử. Nhiều gia đình đã thả nổi và bằng lòng cho con cái vẫy vùng thỏa thích ở những trò chơi thời thượng.

Tủ sách gia đình bị mất giá từ sự thờ ơ của mỗi thành viên. Nhà văn Lý Lan (TP Hồ Chí Minh) từng nói, muốn con cái có thói quen đọc sách, trước tiên bố mẹ cũng phải là người thích đọc. Nhưng phần lớn các bậc phụ huynh thời nay đang dần đánh mất thói quen đọc sách cho con hoặc đọc cùng con. Đa số họ tìm mua truyện tranh, sách “best-seller”, truyện phải màu mè sặc sỡ, nhiều hình vẽ, càng ít chữ càng tốt. Với những sách này, phụ huynh “kiểm duyệt” được nhanh, họ e ngại những cuốn sách nhiều chữ mà mình phải đọc mất nhiều thời gian. Sách đọc nhanh, xem hình, đọc vội nên cũng nhanh quên.

Khi môi trường xuất bản, phát hành sách ngày càng mở rộng, trẻ em ngày nay đang đứng trước “rừng sách”. Trách nhiệm của người lớn là giúp các em thu lượm những trái ngọt, tránh gặp phải những gai nhọn. Tâm hồn trẻ thơ không đơn giản, chúng luôn cần tình yêu thương, sự dìu dắt tận tình ngay từ việc đọc sách. Vì vậy, nếu giữ lối suy nghĩ áp đặt hay xem nhẹ việc tìm sách cho con trẻ sẽ dễ dàng bị trả giá, và vô tình người lớn cũng cướp mất thế giới phong phú của trẻ em, hình thành thói quen đọc sách dễ dãi, suy nghĩ cũ mòn.

Lôi cuốn trẻ đọc sách bằng các hoạt động phong phú      

Khi được hỏi vì sao trẻ em thích “Đô-rê-mon”, “Harry Porter” và những bộ sách nước ngoài hấp dẫn, nhà văn Phan Thị Vàng Anh nhận xét: Đó là thế giới tưởng tượng kỳ diệu, trẻ em đọc thấy mình, nhận ra những gì có trong đời sống được phiêu lưu kỳ thú! Nhà văn Tạ Duy Anh cho đấy là thế giới đầy hành động, màu sắc, âm thanh, sự biến ảo. Trẻ em không ưa những trò bày sẵn.

Các nhà làm sách cho thiếu nhi ở nước ta đều thừa nhận, khâu yếu nhất cho sách thiếu nhi trong nước là thiếu sống động. Người viết của chúng ta ham giáo dục, chăm chú tạo ra một khung trời đầy những nền nếp, khuôn phép... để rồi buộc trẻ em phải nghe và bắt chước.

Dạo qua các cửa hàng sách tư nhân, các cửa hàng cho thuê truyện đầu mùa hè, đa số các độc giả nhí tìm đến truyện tranh nước ngoài, những bộ sách dịch dành cho tuổi mới lớn đang bán chạy. Sách văn học của các tác giả trong nước ít ỏi, khó cạnh tranh... Nguyên nhân này được giải thích và hiểu từ nhiều phía, các nhà xuất bản (NXB) coi việc xuất bản sách văn học là theo kế hoạch, xác định đã in là không có lãi. Những tác giả đương đại có sách được giải thưởng viết cho thiếu nhi thông qua các cuộc phát động sáng tác được NXB Kim Đồng hoặc một số NXB khác dày công đầu tư, giới thiệu vẫn xa lạ với các cửa hàng bán sách và cho thuê sách.

Không thể phủ nhận rằng việc viết cho thiếu nhi là rất khó. Một đối tượng độc giả đông đảo nhưng lại không dễ khai thác. Tình trạng nhàm chán và khô cứng vẫn dai dẳng đối với sách nội dành cho thiếu nhi.

Thời gian qua, trong sự nỗ lực đổi mới sách thiếu nhi, các NXB đã có sự liên kết, phối hợp với EUNIC-Hiệp hội các Viện văn hóa châu Âu và các đại sứ quán 8 quốc gia châu Âu tổ chức sự kiện “Những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam”. Sau 6 năm tổ chức thành công tại Hà Nội, sự kiện này năm nay đã mở rộng, tổ chức cả ở TP Hồ Chí Minh. Với hơn 20 hoạt động và hàng trăm đầu sách mới, hàng nghìn đầu sách tái bản, diễn ra trong 10 ngày, sự kiện văn hóa này nhận được sự quan tâm và cảm tình của bạn đọc nhiều lứa tuổi cả hai miền, đặc biệt là các em nhỏ với những hoạt động được thiết kế sinh động, gần gũi, để lại những ấn tượng khó quên. 8 quốc gia tham gia chương trình cũng là 8 nền văn hóa đa dạng, đặc sắc mà mỗi trang sách lại giống như một chuyến đi, một trải nghiệm đầy màu sắc với tuổi nhỏ.

Nối dài sự kiện văn học kể trên, NXB Kim Đồng phát động Chương trình “Mùa hè đọc sách” với việc giới thiệu các cuốn sách vừa xuất bản thông qua dự án đầu tư sáng tác tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Việt Nam và Đan Mạch. Các em thiếu nhi còn được hưởng mùa ưu đãi lớn từ các cửa hàng sách của NXB Kim Đồng với chương trình giảm giá từ 20-50% đối với các đầu sách trong tháng 6 này.

Bên cạnh đó, những hội sách được các tỉnh, thành phố tổ chức thường niên hơn cũng đã tạo nên những hoạt động phong phú với nhiều loại hình nghệ thuật, triển lãm, tọa đàm về sách… tạo dựng không gian văn hóa thân thiện, giúp các em tìm hiểu thêm về tác phẩm văn học và nhân vật mình yêu thích; đồng thời phát huy trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, giao tiếp.

Bài và ảnh: GIÁNG NGỌC