Khắp không gian làng Thạch cuộn vùi trong những thanh âm rộn ràng và mùi thơm dịu của mẻ bánh mới. 

Bếp chè lam đỏ lửa

Không khó để chúng tôi tìm được nhà của ông Nguyễn Trí Thủy, Chủ tịch Hội làng nghề bánh chè lam làng Thạch. Khi chúng tôi đến, ông Thủy vừa qua nhà các hộ sản xuất để kiểm tra sản lượng chè lam theo đơn đặt hàng. Sân nhà ông đang có 7 người làm chè lam thuê. Mỗi người thực hiện một công đoạn từ rang thóc nếp, nấu nha, nhào bột, đổ khuôn cho đến cắt bánh.

Chúng tôi bắt chuyện với bà Nguyễn Thị Thoa đang rang thóc nếp làm bỏng. Ở tuổi 65, bà Thoa là người có kinh nghiệm nhất trong nhóm thợ. Bà Thoa chia sẻ: “Điểm độc đáo của chè lam làng Thạch là công đoạn làm hoa bỏng. Khác với nhiều địa phương, chúng tôi rang nguyên hạt thóc nếp nên bỏng làm bánh thơm và giữ được độ dẻo lâu hơn. Ngày thường, bỏng được rang và nghiền trước nhưng giờ đang là mùa làm bánh nên chúng tôi phải vừa rang bỏng vừa làm mới kịp tiến độ sản xuất”. Vừa nói, bà Thoa vừa đổ mẻ thóc mới vào chiếc chảo gang lớn đặt trên bếp than. Bà dùng chiếc chổi rơm cán dài khua nhẹ mẻ thóc theo chiều kim đồng hồ. Từng hạt thóc mẩy lăn đều trên mặt chảo nóng. Chỉ ít phút, những hạt bỏng trắng bật ra khỏi vỏ trấu cùng lúc với tiếng lộp bộp vang lên. Bà Thoa khua chiếc chổi nhanh và đè sát vào mặt lớp thóc đang rang. Chẳng mấy chốc, bên dưới chiếc chổi rơm đã đầy ắp hoa bỏng trắng tinh thơm dịu. Bằng động tác gạt mạnh, bà Thoa đưa số bỏng trong chảo vào chiếc nia bên cạnh một cách gọn gàng.

Gia đình ông Nguyễn Trí Thủy bên sản phẩm chè lam làng Thạch, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Số bỏng rang sau khi đã bỏ trấu được cho vào máy nghiền thành bột mịn. Ở một công đoạn khác, người làm nghề sẽ nấu hỗn hợp theo tỷ lệ của nước, đường, mạch nha, nước gừng đã lọc bỏ bã, lạc rang và cuối cùng là bột nếp vừa nghiền. Vừa khi nồi nguyên liệu sánh quyện, tỏa hương thơm ngào ngạt cũng là lúc ông Thủy xong việc trở về. Ông chào chúng tôi rồi quay sang nhắc những người thợ nhanh chóng cho hỗn hợp vào máy nhào để chuẩn bị cho mẻ mới.

Chiếc máy nhào xẻ đều, quay tròn khối bột lớn. Ông Thủy chỉ vào chiếc máy nhào, kể với chúng tôi: “Từ năm 1999, khi bắt đầu tập trung làm chè lam để kinh doanh, tôi là người đầu tiên trong làng đặt thợ cơ khí trên Sơn Tây để làm chiếc máy này. Trước khi áp dụng máy móc, gia đình tôi chỉ làm được 20kg chè lam mỗi ngày thì nay đã làm được gấp 5 lần”. Chiếc máy quay được gần nửa tiếng, khi thấy bột dẻo và dai, nhìn bằng mắt thấy bánh chín, ông Thủy và vợ đổ bánh ra khuôn cán cho phẳng. Ở những khuôn bánh đã nguội, ông Thủy dùng dao có lưỡi mỏng, sắc để cắt khối bánh ra từng thỏi, phủ bột nếp xung quanh làm bột áo. Những thỏi bánh lại được cắt thành từng chiếc bánh nhỏ, vừa vặn bằng hai đầu ngón tay. Sau khi phủ thêm lớp bột áo, những miếng chè lam được lấy ra khỏi mâm, xếp gọn gàng trong túi. Tất cả công đoạn chế biến chè lam đều được làm thủ công từ bao đời nay với đôi bàn tay khéo léo, cẩn thận của người dân làng Thạch.

Chắp cánh thương hiệu chè lam làng Thạch bay xa

Những túi chè lam sau khi hàn miệng bằng máy được những người thợ đóng hộp gọn gàng. Chiếc hộp hình chữ nhật, màu đỏ bắt mắt có dòng chữ cách điệu nổi bật “Đặc sản dân tộc bánh chè lam đặc biệt”. Những thông tin về hộ sản xuất, địa chỉ liên lạc, hạn sử dụng được in nhỏ hơn bên thành hộp. Cầm chiếc hộp trên tay, ông Nguyễn Trí Thủy khoe với chúng tôi: “Trước đây, mỗi hộ gia đình làm một mẫu riêng để bán nên thông tin về mặt hàng thiếu sự đồng nhất. Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ cho thương hiệu, đánh dấu sự ra đời của Hội làng nghề bánh chè lam làng Thạch. Cũng từ đây, hội làng nghề đã sử dụng mẫu hộp bánh thống nhất, cam kết cùng nhau xây dựng thương hiệu chè lam cung cấp cho thị trường”.

Cũng theo ông Thủy, từ việc xây dựng nhãn nhiệu tập thể, các hộ sản xuất đã chủ động đoàn kết, tạo sản phẩm có chất lượng đồng đều. Những năm gần đây, chè lam làng Thạch không chỉ góp mặt trong các lễ hội đình, chùa mà còn xuất hiện trong những hệ thống bán lẻ lớn như VinMart, MM Mega Market. Mở chiếc điện thoại của mình, ông Thủy cho chúng tôi xem những hình ảnh của Hội làng nghề bánh chè lam làng Thạch tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài nước. Có thể kể đến như Hội chợ thương mại quốc tế Việt Trung các năm 2016, 2017, 2018; Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2019, Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP vào chuỗi bán lẻ của Tập đoàn AEON năm 2019…

Hiện nay, Hội làng nghề bánh chè lam làng Thạch có 65 hội viên. Trong đó, hội viên trẻ nhất là anh Ngô Xuân Toán, 45 tuổi, hội viên cao tuổi nhất là ông Quyền Mười năm nay đã 70 tuổi. Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn chè lam, đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng/năm.

Được biết, chính quyền xã Thạch Xá đã có quy hoạch bảo tồn, phát triển nghề làm chè lam truyền thống của làng Thạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Động, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Xá cho biết: “Đảng ủy, chính quyền đã quy hoạch cụm điểm sản xuất tập trung ở phần quỹ đất 2 của xã, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch cùng với chùa Tây Phương. Bên cạnh đó, chính quyền đã có chính sách hỗ trợ vay vốn cho hội làng nghề để mở rộng và phát triển kinh doanh”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN