Tuy nhiên, đấu giá nghệ thuật ở nước ta vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu minh bạch nên tác động tích cực tới đời sống nghệ thuật chưa nhiều.

Mua bán tác phẩm nghệ thuật ở nước ta đã diễn ra từ rất lâu song không phát triển bởi chỉ tồn tại trong nhóm nhỏ ham chuộng nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật được ưa chuộng hơn cả là đồ cổ. Các cá nhân như học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) cả đời mê gốm sứ cổ, từng chút một gom góp thành bộ sưu tập khổng lồ, quý giá. Các cơ quan nhà nước như viện nghiên cứu, bảo tàng trong khả năng tài chính cũng tìm mua các tác phẩm nghệ thuật trong nước, thậm chí tham gia đấu giá nước ngoài để mang cổ vật trở lại Việt Nam.

    Một phiên đấu giá do nhà đấu giá Chọn tổ chức năm 2019.Ảnh: NGÂN ANH 

Với các tác phẩm nghệ thuật đương đại, nhất là tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, thường khách hàng sẽ tìm mua tác phẩm của các nghệ sĩ có tiếng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa cho biết: “Các bức ảnh của tôi chụp về biển, ngư dân đánh cá thường được các hãng du lịch, hãng làm nước mắm, nhà sách in lịch mua để sử dụng. Nếu mua độc quyền tất nhiên giá sẽ cao hơn, thường một bức ảnh có trị giá khoảng 15-20 triệu đồng”.

Đa phần cách làm của các nghệ sĩ là tổ chức triển lãm, gửi bán tại các gallery hoặc thông qua mạng xã hội để bán tác phẩm nước ngoài. Lượng khách hàng không quá lớn nên các giao dịch tác phẩm nghệ thuật diễn ra âm thầm, mua bán trao tay là chính. Chưa bàn đến chuyện tác phẩm có bị “thổi giá” hay không nhưng cách mua bán này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro bởi việc làm giả, làm nhái tác phẩm nghệ thuật khá phổ biến. 

Để đáp ứng nhu cầu xã hội về sở hữu tác phẩm nghệ thuật giá trị, có nguồn xuất xứ tác phẩm nghệ thuật rõ ràng, một số công ty chuyên thực hiện đấu giá tác phẩm nghệ thuật đã ra đời như: Lạc Việt, Lý Thị, Chọn, Vietnam Art Space, Pi... Ngỡ tưởng ra đời muộn màng sẽ có sự chuẩn bị chu đáo, nào ngờ các tác phẩm nghệ thuật (chủ yếu là tranh, tượng) do các đơn vị mang ra đấu giá cũng vướng vào vô số rắc rối: Tranh giả, tranh nhái, chậm thanh toán tiền cho nghệ sĩ...

Điều đó khiến uy tín của các sàn đấu giá nghệ thuật “rớt giá” trong mắt công chúng và nghệ sĩ. Các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật cho rằng, một khi thị trường nghệ thuật còn chưa minh bạch thì cơ hội để các sàn đấu giá tồn tại là rất khó. Bản thân các sàn đấu giá cũng thiếu chuyên nghiệp khi thẩm định tác phẩm chưa kỹ lưỡng, cách thức đấu giá còn dễ dãi như người tham gia đấu giá không phải đặt cọc.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động đấu giá được dự báo sẽ phát triển trong tương lai. Động lực chính là xu thế thưởng ngoạn, đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật sẽ lớn mạnh khi đời sống xã hội ngày càng khá giả. Các nghệ sĩ trẻ hiện nay đã có ý thức về bản quyền rất tốt. Ví như có một bức tranh, họa sĩ sẽ lập hồ sơ, chứng nhận tác phẩm độc bản, bán cho ai, vào thời điểm nào. 

Tác phẩm nghệ thuật được sưu tập nhiều nhất vẫn là các tác phẩm được chứng minh giá trị trải qua thời gian. Song hầu hết lại ra đời từ thời điểm vấn đề bản quyền chưa được chú trọng, rất khó có giấy tờ chứng minh nguồn đốc. Vấn đề hiện nay chỉ còn là các đơn vị đấu giá nghệ thuật phải chứng thực cho tác phẩm nghệ thuật xưa cũ. Không thể để xảy ra tình trạng đấu giá một bức tranh mà chủ nhân cũng chẳng nhớ đã từng mua bức tranh của ai.

Không chứng minh được nguồn gốc rồi đi bán lại, liệu mời gọi được ai dám tham gia đấu giá? Vì vậy, cần công khai, minh bạch tên tuổi hội đồng thẩm định từng tác phẩm đấu giá. Chẳng hạn, đồ gốm sứ cổ có nhiều thời kỳ, nhiều vùng miền khác nhau sản xuất tạo ra nhiều dòng gốm sứ khác nhau, tương ứng với đó phải có các chuyên gia, những nhà sưu tập hàng đầu trong và ngoài nước thẩm định. Tất nhiên, chi phí sàn đấu giá phải bỏ ra sẽ tăng lên nhưng khi tác phẩm được bảo đảm bằng tên tuổi của hội đồng thẩm định thì người tham gia đấu giá sẽ trả giá cao.

Theo các nhà lý luận phê bình nghệ thuật, việc làm giả, làm nhái tác phẩm nghệ thuật hiện nay đã đạt đến độ tinh vi. Bởi những người làm giả tác phẩm nghệ thuật chính là các nghệ sĩ được đào tạo bài bản nhưng vì không may mắn có được sự nổi tiếng, sống được với nghề nghiệp nên quay sang làm hàng giả, hàng nhái. Làm hàng giả, hàng nhái theo số lượng lớn như quần áo, sách giáo khoa còn khó phát hiện thì làm giả một tác phẩm nghệ thuật thì biết ở đâu mà xử lý? Vậy nên, cốt lõi để đấu giá nghệ thuật ở nước ta phát triển thì chỉ có cách tự các sàn đấu giá phải nâng tầm chất lượng hoạt động.

HÀM ĐAN