 |
Minh hoạ: Mạnh Tiến |
Giáp Tết, tôi đến thăm ông Phạm Văn Từ - một người bạn vong niên sống rất nặng lòng với những kỷ niệm. Hơn 60 năm tha phương cầu thực, giờ đây ông Từ đã về quê ở Phố La, thị trấn Vũ Thư-một vùng hạ lưu sông Thái Bình trồng trọt, buôn bán. Ông bảo, nơi chôn nhau cắt rốn - điểm xuất phát cuộc đời và cũng là nơi có điều kiện tốt để lưu giữ những kỷ niệm của con người. Tôi rất thú vị khi được nghe giới thiệu về các hiện vật trong “bộ sưu tập” của ông: Cái cuốc chim mòn tròn cả hai lưỡi là do tiền nhân làm nghề đánh củi thuê để lại. Cái mảnh máy bay to bằng chiếc quạt nan, màu sơn xanh lá mạ là “chiến lợi phẩm” lần ông vác đạn cho bộ đội bắn máy bay quân giặc khi chúng ném bom cầu Lai Vu năm 1966. Cái mỏ-lết gẫy “hàm dưới” là ngày đầu học nghề vá săm, lốp ô tô, ông cậy sức tuổi 20, vặn cố con ốc ở tang trống bánh xe “Zin-Khơ”, bị ông thầy tát cho một cái nảy đom đóm mắt… Có một thứ ông dành giới thiệu sau cùng, như muốn người nghe tập trung vào nó hơn. Đó là chiếc mũ cối bộ đội được để trong một túi giấy bóng kính. Ông đứng nhìn nó, mắt chớp chớp, giọng trầm xuống. Ông kể...
…Lúc ấy vào khoảng 4 giờ chiều ngày 30 Tết năm 1980. Mưa xuân giăng giăng khắp thị trấn vùng biên ải phía tây. Các gia đình nô nức chuẩn bị lễ cúng tất niên. Ông Từ đang tháo chiếc biển “vá chín săm lốp ô tô, xe máy” treo trên thân cây mít trước sân nhà thì một anh bộ đội hớt hải chạy đến khẩn khoản:
- Thưa bác, cháu đang đi làm nhiệm vụ. Xe cháu bị xẹp lốp cách đây một đoạn. Cháu đến nhờ bác chữa giúp.
Ông Từ dừng tay, nhìn chằm chằm vào anh lái xe, giọng chắc nịch:
- Ba trăm đồng một miếng vá!
Anh bộ đội nhíu đôi lông mày, nhỏ nhẹ:
- Sao bác lấy những ba trăm đồng? Thường chỉ là năm mươi đồng thôi chứ ạ!
- Năm mươi đồng là giá thường. Chiều tất niên giá phải khác chứ. Tùy anh thôi!
Sốt ruột bởi anh em đang làm nhiệm vụ ở biên cương, hàng đón giao thừa còn nằm cách những gần ba chục cây số thế này… Anh bộ đội quyết định đồng ý.
Nhưng thật rủi ro cho anh. Chiếc đinh 10 phân không chỉ làm săm thủng một chỗ mà những hai chỗ. Anh lại mang theo có 400 đồng. Lấy đâu ra cho đủ 600 đồng bây giờ? Ông Từ nghe anh trình bày hoàn cảnh, tỏ vẻ thông cảm:
- Anh không có đủ tiền. Nhưng xe anh chở đầy đường, sữa, bánh kẹo. Sao anh không “chuyển đổi”. Mình làm nhiệm vụ chứ mình có tham ô đâu!
Ngẫm nghĩ một lát, anh bộ đội vào ca bin lấy chiếc mũ cối của mình ra, nói với ông Từ:
- Cháu không được phép xâm phạm hàng trên xe. Cháu xin đặt cái mũ để bác giữ. Hẹn bác một ngày gần nhất, cháu sẽ mang tiền đến trả và xin lại mũ. Như thế có được không ạ?
Ông Từ cầm cái mũ ngắm nghía:
- Cối Tầu lòng ổi đây. Nhưng anh lại viết chữ bằng sơn trắng vào mũ. Vì vậy ngay bây giờ anh lấy xăng tẩy sạch đi, để nếu anh không đến chuộc thì tôi còn bán nó được chứ!
Anh bộ đội buộc lòng chấp thuận.
Xe đã chữa xong. Tiện hướng đi, ông Từ lên ca bin. Về tới ngõ, đợi ông đội mũ, xách túi đồ nghề xuống xong đâu đấy, anh bộ đội cho xe từ từ lăn bánh. Bỗng phía nhà ông Từ phát ra một tiếng nổ lớn, kèm theo tiếng kêu thất thanh:
- Ối! Thằng Tư bị pháo làm cháy hết mặt mũi rồi!
Anh bộ đội dừng xe, lao xuống khỏi ca bin. Thằng Tư khoảng 13 tuổi, hai tay ôm mặt phủ đầy muội đen sì, nằm vật ngửa bên cạnh cái chảo gang đặt trên bếp củi. Xác quả pháo đại mà nó sấy trong chảo vừa nổ tung tóe khắp sân. Anh bộ đội bế thằng bé, giục ông Từ cùng lên xe, đưa cháu đi cấp cứu ngay.
Tại bệnh viện huyện, Tư được các y - bác sĩ kịp thời cứu chữa nên tạp chất chưa kịp nhiễm sâu vào đôi mắt; Tư có thể về đón Tết cùng gia đình nhưng phải dùng thuốc theo hướng dẫn và chịu khó đeo kính. Sau Tết lên bệnh viện để kiểm tra.
Ở biên giới, anh bộ đội giao xong hàng, đặt lên buồng lái cành mận nở hoa trắng xóa mà các chiến sĩ ở đại đội 3 vừa tặng. Trên đường về qua bệnh viện huyện, anh tạt vào hỏi thăm, không ngờ lại kịp đưa hai bố con ông Từ trở lại nhà. Để cả hai người đều ngồi được trong buồng lái cho khỏi rét, anh chuyển cành hoa mận sang thùng xe, buộc chặt vào thành gỗ. Về đến gốc mít nhà ông Từ, vừa đúng lúc đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Anh vội chia tay gia đình và trở về đơn vị.
Chiếc xe đi rồi, ông Từ sực nhớ đến cái mũ cối cùng túi đồ nghề còn treo trên vách. Ông lập tức hạ cái mũ xuống. Và, theo bản năng, ông cầm chiếc mũ chạy ra ngõ, đứng bần thần nhìn theo con đường sâu hun hút như còn in hình ảnh người chiến sĩ bên vành tay lái với cành mận trắng.
…Câu chuyện cách đây đã gần ba chục năm trời mà tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua.
Phạm Quang Chung