Tiết xuân đương nồng. Cả một vùng núi non Tam Đảo ngút ngàn xanh điểm xuyết sắc hoa đỗ quyên thắm. Đường về khu danh thắng Tây Thiên êm ru trong nắng vàng dịu nhẹ. Hồng kỳ phấp phới xen lẫn cờ ngũ sắc tung bay làm vui mắt khách thập phương về vui hội.

leftcenterrightdel
 Chương trình giao lưu dân ca soọng cô trong lễ khai hội Tây Thiên. 

Trong dòng người nhộn nhịp về miền tiên cảnh, có 3 cụ là đồng bào dân tộc Sán Dìu, tuổi ngoại bát tuần, đầu đội nón lá, vai mang túi vải, thong dong bước lên bậc thềm đá. Miệng thắm quết trầu, cụ bà Lý Thị Lam hồ hởi: “Lâu lắm rồi già mới được trở lại Tây Thiên. Ngày trước giặc Pháp đuổi, đồng bào phải chạy dạt về đây trú ẩn. Giờ thì đẹp lắm rồi, chẳng thể nhận ra”.

Qua cổng tứ trụ, cây đa 9 cội tỏa bóng. Không rõ cây đa có từ bao giờ nhưng qua thời gian, nhân dân gọi đây là cây đa nghìn năm tuổi. Theo lời thuyết minh của chị Nguyễn Thị Mai Lê, nhân viên Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên thì 9 cội cây đa mang ý nghĩa biểu trưng cho 9 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc cùng hội tụ dưới chân núi thiêng. Cạnh gốc đa, tấm bia đá được tạo vào năm Bảo Thái thứ năm (1724) đời Vua Lê Dụ Tông ngợi ca cảnh sắc Tam Đảo, những người hằng tâm góp sức tôn tạo đền thờ. Tấm bia được bảo tồn nguyên vẹn là một chứng tích lịch sử-văn hóa quan trọng, khẳng định danh thắng Tây Thiên được các triều đại hết sức quan tâm coi trọng tôn tạo, gìn giữ.

Giữa không gian thanh tịnh, tiếng nhạc lưu thủy kim tiền dặt dìu như nâng hồn người chậm bước về cửa Quốc Mẫu. Khói hương ngan ngát từ trong đền thoảng ra. Trước ban công đồng, ông Khổng Văn Thái, thủ đền Thỏng dâng lời khấn nguyện đức Quốc Mẫu Tây Thiên. Thế rồi ông Thái giới thiệu đền Thỏng còn gọi là đền Trình vì trước khi đăng sơn, băng rừng, vượt suối lên đền Thượng lễ Mẫu, khách thập phương phải vào làm lễ trình cầu mong vạn sự bình an.

Về Tây Thiên, tôi được chiêm bái một quần thể kiến trúc cổ xưa với chùa, đền, miếu, bia đá ẩn hiện nơi rừng xanh núi biếc, suối thác hữu tình, cảnh sắc thanh nhã. Đến vui hội, tôi thêm tỏ tấm lòng tôn kính của nhân dân thập phương hướng về Quốc Mẫu Tây Thiên. Tương truyền, bà tên thật là Lăng Thị Tiêu, sinh ra trong một gia đình tộc trưởng ở trang Đông Lộ, động Tam Dương (nay là thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo). Bà trở thành Chính Vương phi của Vua Hùng thứ 7 (Hùng Chiêu Vương) có công giúp vua đánh giặc ngoại xâm khi tại vị, sau đó hiển linh phù trợ các vua đời sau đánh giặc giữ nước. Khi bà hóa, nhân dân trong vùng lập đền thờ tưởng nhớ công ơn đức Quốc Mẫu Tây Thiên.

Chuyện xưa tích cũ khiến núi rừng Tây Thiên thêm huyền ảo, linh thiêng. Ngày ngày thiện nam tín nữ, thanh đồng, phật tử vân tập về miền tiên cảnh tụng kinh niệm Phật, dâng văn hầu Mẫu. Ông Đỗ Quốc Trọng, Trưởng ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên giới thiệu: “Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên thu hút hàng trăm nghìn du khách đến tham quan mỗi năm. Dịp hội xuân, địa phương tổ chức nhiều hoạt động vui hội, khơi dậy phong trào văn hóa, thể thao, giữ gìn nét đẹp truyền thống quê hương. Để khai thác lợi thế du lịch, công trình cáp treo Tây Thiên được xây dựng từ năm 2010 giúp du khách thuận lợi khi lên đền Thượng”.

Giờ đây, những bậc cao niên người Sán Dìu không phải leo núi, chỉ mươi phút cáp treo đã đến trước đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Âu đó cũng là cách để nối gần con đường lên với tiên cảnh. Lên tới non cao, cụ bà Lý Thị Lam nắm tay tôi rồi nhắn nhủ bằng câu ca vui: “Ai lên ngắm cảnh Tây Thiên/ Mải mê thưởng ngoạn chớ quên đường về"... 

Bài và ảnh: DANH HƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.