Trong những ngày này, nhân dân cả nước đang hướng về vùng “Chiến khu Việt Bắc” năm xưa với tấm lòng thành kính để nhớ về thời kỳ mà Đảng và Bác đã chọn làm căn cứ địa kháng chiến. “Thủ đô gió ngàn” nhộn nhịp đón hàng nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Hàng loạt các chương trình, lễ hội diễn ra, là dịp để hơn 1 triệu người dân Thái Nguyên tự quảng bá về đặc sản và nét văn hóa đậm màu truyền thống, cũng là dịp để ngành du lịch tìm cách phát triển cho xứng tầm.
Ngày hội xuống đồng
Khác với thường lệ, năm nay người xem nô nức kéo về lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa muộn hơn một ngày quanh khu vực nhà tưởng niệm Bác Hồ, tại ATK (Định Hóa), nơi mà 60 năm trước đây Trung ương Đảng và Bác đã chọn làm căn cứ địa lãnh đạo kháng chiến chống Pháp và đi đến thắng lợi. “
Chưa bao giờ chúng tôi thấy lượng khách đông như vậy, mặc dù năm nay lãnh đạo huyện đã mở rộng khu vui chơi với ba sân khấu lớn và toàn bộ mặt bằng sân vận động 14 nghìn mét vuông, trời mưa lất phất, các cuộc vui cứ diễn ra náo nhiệt suốt hai ngày”, đó là lời bộc bạch của anh Nguyễn Công Kiên, cán bộ phòng văn hóa huyện Định Hóa với chúng tôi.
Lễ hội thu hút hàng chục nghìn người dân quanh vùng đồng bào các dân tộc các tỉnh lân cận như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn... về trảy hội. Sau màn trống hội do các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Trung ương biểu diễn, phần lễ chính thức được mở đầu bằng lễ cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối mùa màng tốt tươi, gia súc gia cầm sinh sôi; cầu Thần Nông phù hộ để bản làng được yên vui cũng là cầu cho đất nước được thái bình, thịnh vượng. Ngày đầu tiên của vụ trồng cấy mới được tổ chức trong không khí linh thiêng, những thanh niên khỏe mạnh nhất làng, những con trâu tốt nhất được chọn để thực hiện những đường cày đầu tiên.
Xong phần lễ, không khí vui hội thực sự tưng bừng. Người trảy hội náo nức tham gia hội tung còn, từ các đôi nam thanh nữ tú đến các cụ đã vào tuổi "thất thập" đang say sưa bên cây đàn tính, dập dìu trong điệu hát Si, hát Lượn, hát Then mượt mà, sâu lắng. Sân khấu trình diễn múa rối nước đã chật ních người xem, điều đặc biệt là những con rối ở đây do tự tay các nghệ nhân trong bản Tày làm ra, các tích trò cũng xoay quanh các câu chuyện về việc khai khẩn đất đai của bản làng; những người lao động chân lấm tay bùn, nay lại trở thành những “nghệ sĩ thực thụ” điều khiển con rối trên sân khấu. Mang lại tiếng cười sảng khoái cho đám trẻ là màn múa lân, sư, rồng đan xen màn múa gậy khéo léo, tinh nghịch của nhân vật Tôn Ngộ Không...
Thương hiệu chè Thái
Tại công viên Sông Cầu, “Lễ hội văn hóa trà” đã chật ních khách tham quan với nhiều hoạt động phong phú như: thi chế biến trà xanh bằng phương pháp hiện đại và truyền thống; giới thiệu các phong cách thưởng trà; trưng bày dụng cụ thưởng trà thuộc nhiều giai đoạn; tổ chức các tua du lịch thăm làng trà tiêu biểu và tổ chức bán đấu giá trà đặc biệt làm từ thiện... Chính khách, thương nhân vừa thưởng thức trà vừa ngắm “chén ngọc ngàn năm tuổi”. Người yêu nghệ thuật thỏa sức xem tranh, chọn ảnh, bình văn thơ về văn hóa trà... Trong không gian đặc biệt ấn tượng của gian “nhà cỏ”, người làm trà có cơ hội thể hiện sự khéo léo, kinh nghiệm phong phú, sự gắn bó với loại cây đặc trưng của đất Thái Nguyên và người quan tâm đến trà đều có dịp tiếp cận với những nét đặc sắc nhất của “văn hóa trà” Thái Nguyên.
Không phải là loại trà được ướp công phu hương sen, hoa ngâu, hoa sói như người Hà thành, người Tân Cương sản xuất chè lại chủ tâm giữ hương thơm tự nhiên thoang thoảng, tôm trà xoăn, chắc, màu xanh, cắn vào giòn tan, nước pha có màu xanh sóng sánh, sau khi nhấp chén trà có vị chát nhưng đọng lại vị ngọt ngào, đậm đà, sâu lắng thấu tận lòng người.
Chè Tân Cương nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung lâu nay đã được khách thập phương xa gần biết đến, nhưng việc quảng bá thứ đặc sản này ra nước ngoài vẫn còn là vấn đề cần bàn bạc và phải khẩn trương xúc tiến để người làm chè cải thiện cuộc sống. Chị Ngô Thị Mầu, một trong số gia đình đã có mấy đời theo nghề làm chè, tâm sự: “Mấy năm nay dù giá chè Tân Cương có tăng hơn, được Nhà nước quan tâm đầu tư hơn về máy móc, thiết bị cần cho việc trồng và chế biến nhưng việc quan trọng nhất với chúng tôi để giữ gìn được thương hiệu của chè Tân Cương. Để làm được điều đó thì các công đoạn từ trồng, hái, chế biến chúng tôi chủ yếu thực hiện theo phương thức truyền thống để bảo đảm độ tinh khiết, không pha tạp. Mỗi gia đình đều phải tự tìm cho mình mối làm ăn để lưu thông các sản phẩm của mình ra thị trường đúng thời hạn, vừa bảo đảm số lượng và chất lượng của chè. Hiện nay, chúng tôi mới đưa đến các chợ đầu mối tại tỉnh mà chưa tận tay mang đến các cửa hiệu ở các thành phố lớn, ước mơ lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm của quê mình được đến tay người trong cả nước và ra nước ngoài”.
Về phía người quản lý, bà Trịnh Thị Cúc, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã có những công văn, những quy chế đưa xuống các hộ gia đình làm chè, theo đó chỉ những gia đình bảo đảm về quy trình sản xuất, chế biến, chất lượng phải đúng như quảng bá thì mới được tung ra thị trường với nhãn mác chính hiệu. Chỉ khi thương hiệu chè Thái Nguyên đã được giao cho người nông dân làm chủ sở hữu thì người dân mới có trách nhiệm với “miếng cơm manh áo” cũng theo đó mà vấn đề giảm thiểu hàng giả tràn lan trên thị trường hiện nay mới thực sự có hiệu quả. Chúng tôi cũng đang tiến hành cùng các cơ quan chức năng kiểm tra và sẵn sàng có hình thức xử lý những đơn vị, những hộ gia đình làm mất uy tín với thương hiệu chè Thái Nguyên”.
Bước chân ra về mà lòng như “bị” níu kéo bởi chất men từ câu hát, chất men say tình người. Trong tâm khảm mỗi người dân đều hy vọng về sự khởi sắc, những bứt phá trong và sau năm du lịch với những đặc sản của miền đất sơn thủy hữu tình này.
THANH HÒA