Quả vậy, trong những gương mặt văn chương Nam Bộ nửa cuối thế kỷ 19, Nguyễn Đình Chiểu hiện lên là đại diện tiêu biểu nhất, cả về tác phẩm cũng như nhân cách, đức độ. Bên cạnh giá trị nội dung tư tưởng, các tác phẩm của ông được nhân dân đặc biệt yêu mến còn bởi màu sắc Nam Bộ đã đi vào thơ văn ông một cách nhuần nhị, tự nhiên, gần gũi như chính cuộc sống và tình cảm của ông.

      Tượng Đồ Chiểu tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).Ảnh: NGUYỄN LÂM DUY QUÝ.

1. Phương ngữ Nam Bộ đã đi vào các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có giá trị gợi được không khí văn hóa vùng miền, là lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân lao động. Và điều quan trọng là, khi đặt những từ ngữ ấy vào ngữ cảnh cũng như hệ thống ngôn ngữ toàn dân, nó vẫn dễ cảm nhận với tất cả độc giả chứ không hề tạo ra sự khó hiểu. Ngay trong hai câu thơ được coi như tuyên ngôn về sáng tạo của mình, Nguyễn Đình Chiểu viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” ("Than đạo"), ta gặp ngay từ khẳm (nghĩa là đầy) là một đơn vị đặc trưng của phương ngữ Nam Bộ.

Tất cả 3 khu vực từ loại cơ bản (danh từ, động từ, tính từ) đều có thể bắt gặp những đơn vị mang đậm dấu ấn Nam Bộ: “Cây nhang nghĩa sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ” ("Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"); “Tôi bèn nổi giận một khi/ Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò” ("Lục Vân Tiên"); “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ/ Dầu đui mà khỏi danh nhơ/ Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình” ("Thà đui"); “Quán rằng: "Ghét việc tầm phào/ Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm” ("Lục Vân Tiên"); “Tập khiên tập giáo tập mác tập cờ, mắt chưa từng ngó” ("Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"); “Mấy ghe thực hóa bốn phương luồng” ("Dương Từ-Hà Mậu").

Trong các dẫn chứng vừa nêu, các từ in nghiêng "nhang, giò, đui, dơ, tầm phào, ngó, ghe" là những từ thuộc phương ngữ Nam Bộ, tương đương với các đơn vị "hương, chân, mù, bẩn, vu vơ, nhìn, thuyền" trong ngôn ngữ toàn dân. Một số từ ngữ khác trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được dùng với biến thể ngữ âm mang đậm màu sắc Nam Bộ, chẳng hạn dùng "đàng" thay cho "đường", "bịnh" thay cho "bệnh", "chưn" thay cho "chân", "đứng" thay cho "đấng", "phui" thay cho "phôi": "Vân Tiên ghé lại bên đàng"; "May mà bịnh ấy đặng an"; "Trước là tìm bạn sau là nghỉ chưn"; "Quán rằng: "Thương đứng anh hùng"; "Phui pha hai chữ dân di". Cặp xưng hô qua-bậu đặc trưng của Nam Bộ cũng gặp nhiều trong các câu thơ của truyện "Lục Vân Tiên": "Dân rằng: "Lũ nó còn đây/ Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành"; "Trực rằng: “Đã đến nỗi này/ Tiểu đồng bậu hãy làm khuây giải phiền”.

2. Bên cạnh lớp từ ngữ thuộc phương ngữ Nam Bộ, các địa danh của Nam Bộ cũng đi vào nhiều tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, gắn với những sự kiện quan trọng, những chiến công của nhân dân, gắn với cả những nỗi buồn đau, ai oán, xót xa của Nguyễn Đình Chiểu trước những mất mát, khổ đau của con người: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” ("Chạy giặc"), “Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng/ Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”; “Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm/ Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ” ("Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"), “Trời Gia Định ngày chiều ráng bắn, âm hồn theo cơn bóng ác dật dờ/ Đất Biên Hòa đêm vắng trăng lờ, oan quỷ nhóm ngọn đèn trời hiu hắt” ("Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh"), “Ba Tri từ vắng tiếng hơi chàng/ Gió thảm mưa sầu khá xiết than” ("Điếu Phan Công Tòng"). Những địa danh như: Bến Nghé, Đồng Nai hiện lên trong nỗi xót thương nhân dân phải chạy giặc. Sông Cần Giuộc, chợ Trường Bình, chùa Tân Thạnh, đồn Lang Sa, Gia Định, Biên Hòa hiện lên trong nỗi ai oán, tiếc thương những nghĩa sĩ vì nước bỏ mình. Quê hương của người anh hùng Phan Công Tòng-Ba Tri cũng đã đi vào 10 bài thơ điếu bi tráng của Nguyễn Đình Chiểu.

3. Cùng với ngôn ngữ, những phẩm chất, tính cách tốt đẹp nổi bật của con người Nam Bộ cũng đã đi vào trong các tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là tinh thần khảng khái, trọng nghĩa khinh tài (tiền): “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”; “Vân Tiên nghe nói liền cười/ Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Lục Vân Tiên sẵn sàng xả thân, xông vào đánh tan bọn cướp Phong Lai để giải cứu Kiều Nguyệt Nga. Nguyệt Nga sau đó cũng từ lòng trọng nghĩa anh tài đã tự vẽ lại hình ảnh Lục Vân Tiên và nguyện suốt đời thủy chung với chàng. Lối sống của người Nam Bộ đề cao sự cương trực, thẳng thắn, yêu ghét phân minh. Những chiến binh trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" quên mình giết giặc không phải vì một sự bắt buộc của nhiệm vụ được giao mà xuất phát từ tình yêu nước, lòng căm thù quân xâm lược: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan/ Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ... Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình/ Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.

Nguyễn Đình Chiểu cũng thẳng thắn lên án, chê trách những kẻ đang tâm làm tay sai cho giặc: “Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn/ Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. Trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, nhân vật Kỳ Nhân Sư bày tỏ sự bất hợp tác với giặc Liêu bằng cách tự xông mù đôi mắt của mình để giữ tròn đạo trung hiếu với nhân dân: “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”. Từ Kỳ Nhân Sư tới Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực, ông Ngư, ông Tiều đều là những con người đề cao trung hiếu tiết nghĩa, hào hiệp, phóng khoáng, coi nhẹ tiền bạc, giữ trọn lối sống ân tình, thủy chung.

Nguyễn Đình Chiểu thuộc lớp nhà Nho tiết tháo cuối cùng của lịch sử trung cận đại Việt Nam. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là cuộc đời và nhân cách của ông, người luôn giữ trọn tấm lòng trung với nước, yêu thương nhân dân. Ngôn ngữ Nam Bộ, phẩm chất con người Nam Bộ đã in dấu trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, góp phần làm nên sức sống và sự lan tỏa sâu rộng văn thơ của ông trong mọi tầng lớp nhân dân.

TS ĐỖ ANH VŨ