Nhắc đến tranh dân gian, không thể không nói đến dòng tranh dân gian Đông Hồ (tên đầy đủ là tranh dân gian khắc gỗ Đông Hồ, có xuất xứ từ làng Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Những bức khắc họa các con vật gần gũi trong cuộc sống và một số phong tục tập quán của người dân gắn với xóm làng Việt Nam một cách gần gũi, sinh động. Nổi tiếng nhất phải kể đến những bức tranh như: Đám cưới chuột, Mục đồng thổi sáo, Gà trống hoa hồng, Hứng dừa...

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và bức tranh có hình linh vật của năm Kỷ Hợi.

Tết Nguyên đa Kỷ Hợi 2019, người dân sẽ dành sự quan tâm đến những bức tranh có chủ đề về linh vật của năm là những đàn lợn. Tranh Đông Hồ về lợn có 2 bức: “Lợn ăn cây dáy” và “Lợn nái”, hai bức tranh đều được khắc họa tỉ mỉ, sinh động và mang tính hình tượng hóa cao. Xuôi về làng tranh cổ Đông Hồ, ngôi làng nằm hiền hòa bên bờ sông Đuống, chúng tôi tìm đến nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế năm nay đã ngoài “Bát thập cổ lai hy”, người dành cả đời để duy trì và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Trong bối cảnh gần như cả làng Đông Hồ chuyển sang buôn bán vàng mã, nghệ nhân này vẫn dành tâm huyết để mở rộng và phát triển, đồng thời tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Ông làm tất cả những điều ấy bằng niềm say mê với mong muốn lưu giữ hồn cốt quê hương. Ông Chế bộc bạch: “Hình tượng lợn được tạo hình rất chắc, khỏe nhưng cũng không kém phần mềm mại. Đặc biệt, con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển, gần gũi như một người bạn trong gia đình”.

Quy trình làm tranh của người dân làng Đông Hồ.

Ông Phạm Hùng Thoan, nguyên Phó viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đang xem bản khắc tranh dân gian Đông Hồ.

Ngoài việc sản xuất tranh dân gian, để đáp ứng nhu cầu của người mua, năm nay nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế quyết định làm mới dòng sản phẩm này bằng cách in lịch lên tranh, riêng dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, ông đã in 1000 cuốn lịch, được đông đảo khách tham quan yêu thích. Cuốn lịch “Chúc mừng năm mới 2019”, nghệ nhân này cho in bức tranh "Lợn nái" ở trang bìa, màu sắc sinh động, bắt mắt, thể hiện tín ngưỡng văn hóa đặc sắc của dân tộc. Mỗi trang lịch in một bức tranh dân gian đính kèm phần lịch được bài trí hợp lý, thuận tiện cho việc sử dụng. Cuốn lịch được in trang trọng và mang giá trị truyền thống đặc sắc, là món quà ý nghĩa dành tặng cho những người thân yêu như một lời chúc một năm mới bình an, sung túc.

Học sinh tìm hiểu về tranh dân gian Đông Hồ.

Khách hàng trong và ngoài nước rất yêu thích những bức tranh dân gian Đông Hồ. Nhiều đơn vị, công ty đặt mua với số lượng lớn. Không chỉ những người lớn tuổi, các bạn sinh viên, học sinh cũng dành sự quan tâm cho dòng tranh dân gian này. Anh Tạ Huy Tuyên (Đại học mở Hà Nội ) chia sẻ : “Tôi tìm đến làng tranh Đông Hồ để tìm hiểu về tranh, đồng thời học hỏi thêm được rất nhiều về cách làm tranh, cách bảo tồn và giữ gìn làng tranh truyền thống. Tôi mua 5 bức tranh linh vật lợn về để trang trí nhà dịp Tết cũng như làm quà tặng bạn bè, người thân.”

Ông Phạm Hùng Thoan, nguyên là Viện phó Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho biết: “Viện đang làm 8 hồ sơ trình UNESCO để công nhận các di sản của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giúp ta quảng bá văn hóa của ta ra thế giới như  lễ hội Gióng làng Phù Đổng, dân ca quan họ Bắc Ninh, tín ngưỡng thờ Hùng Vương…Trong đó, tranh dân gian Đông Hồ xứng đáng với vị trí này bởi giá trị nghệ thuật, lịch sử.”

Trong bối cảnh nhiều dòng tranh ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường, những bức tranh dân gian Đông Hồ vẫn tồn tại, phát triển như một điểm sáng nhắc nhở thế hệ ngày nay về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của cha ông để lại.

Bài, ảnh: THẢO MY