Cuốn tiểu thuyết viết về danh tướng Phạm Ngũ Lão có nhan đề “Chim ưng và chàng đan sọt” của nhà văn Bùi Việt Sỹ từng được vinh danh giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Sách quốc gia. Mãi về sau, nhiều người mới phát hiện và phê phán chi tiết thô tục, phản cảm về cảnh phòng the giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong cuốn tiểu thuyết. Giả sử, phụ huynh vội vàng mua cho con trẻ đọc thì quả là lợi bất cập hại. Nhưng sẽ không có chuyện trớ trêu đó nếu trên bìa cuốn tiểu thuyết được dán nhãn chỉ dành cho người đọc trên 18 tuổi (18+).

Tuy nhiên, không có quy định phân loại xuất bản phẩm theo độ tuổi, đặc biệt là xuất bản phẩm liên quan đến VHNT. Chỉ có một số ít nhà xuất bản tự nguyện phân loại theo “cảm nhận” cuốn sách chỉ nên dành cho đối tượng phù hợp nào đó.

 Cảnh trong phim “Đảo của dân ngụ cư” (năm 2017) cấm khán giả dưới 18 tuổi xem.Ảnh do đoàn làm phim cung cấp.

Riêng về điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL ngày 11-12-2015, cho phép phổ biến phim với điều kiện cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13 tuổi (C13), dưới 16 tuổi (C16) hoặc dưới 18 tuổi (C18) nếu bộ phim có nội dung không phù hợp cho sự phát triển tâm lý, sinh lý hoặc ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách ở từng lứa tuổi. Mặc dù đã có quy định nhưng vẫn chưa chi tiết.

Chẳng hạn, phim C18, về khỏa thân, tình dục cấm thời lượng kéo dài nhưng kéo dài bao lâu thì lại không cụ thể. Trong khi đó, hệ thống phân loại phim ở một số nước có quy định rõ về thời lượng (thường không quá 3 giây cảnh đặc tả). Ngoài ra, ở các nước có nền điện ảnh phát triển còn có rất nhiều quy định cụ thể khác về vấn đề tôn giáo, ngôn từ thô tục, hành vi bạo lực, chất kích thích... Chính vì có quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết nên các nhà sản xuất phim nước ngoài tự do sáng tạo trong khuôn khổ và cũng không tồn tại hội đồng duyệt phim.

Hiện nay, tác phẩm VHNT phát hành trên môi trường không gian mạng cũng có quy định riêng về phân loại độ tuổi, có giải pháp công nghệ để người lớn “khóa” chương trình không phù hợp trẻ em tiếp nhận.

Sở dĩ cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia đưa ra quy định phân loại tác phẩm VHNT theo độ tuổi bởi lo ngại trẻ em bắt chước hành vi, thói quen xấu, ảnh hưởng đến quá trình hình thành tâm lý, nhân cách. Đồng thời, các quy định cũng là rào cản ngăn ngừa những chủ thể sáng tạo vì lợi nhuận, danh tiếng mà bất chấp gây ảnh hưởng cho cộng đồng. Ở khía cạnh khác, việc quy định phân loại tác phẩm VHNT theo độ tuổi có tính nhân văn cao, bảo đảm quyền cơ bản được UNESCO thừa nhận: Quyền sáng tạo văn hóa, quyền thụ hưởng văn hóa. Không vì chủ đề nhạy cảm mà lại cấm phổ biến, lưu hành tác phẩm VHNT; tác phẩm có thể không phù hợp với người chưa thành niên, nhưng không vì vậy mà người trưởng thành lại không được thụ hưởng.

Xu hướng phân loại tác phẩm phù hợp với độ tuổi là tất yếu, khách quan, được chứng minh hiệu quả trên thực tế. Vai trò tham gia tạo ra các quy định của các hội nghề nghiệp VHNT là cực kỳ quan trọng, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Điển hình như Hoa Kỳ không có luật về điện ảnh, chính quyền cũng không đưa ra quy định phân loại phim nhưng Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) ban hành hệ thống phân loại phim tự nguyện vào năm 1968 sau khi bị dư luận chỉ trích, phê phán nặng nề về tình trạng bạo lực, các hình ảnh tình dục tràn lan.

Vấn đề hiện nay ở nước ta là cần đẩy nhanh việc ban hành các quy định để theo kịp tốc độ phát triển của một số lĩnh vực VHNT là mũi nhọn của công nghiệp văn hóa. Mục đích tạo ra quy định là để chủ thể sáng tạo phát huy cao nhất phẩm chất sáng tác, làm giàu có VHNT Việt Nam đương đại.

MỘC LAN