Chú Tễu, đặc trưng của phường Nguyên Xá (Thái Bình)

Một nghịch lý đang đặt ra đối với việc bảo tồn nghệ thuật rối nước dân gian hiện nay, các phường rối nước dân gian - nơi sản sinh nghệ thuật múa rối - phải đi học lại các tích trò và kỹ thuật trình diễn của các diễn viên, đoàn rối chuyên nghiệp.

Không có đất diễn

Trước đây, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 28 phường rối dân gian thường xuyên biểu diễn với hàng trăm tích trò hấp dẫn. Sự ra đời của hai đoàn nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Trung ương cũng dựa trên việc học hỏi, sưu tầm và phát triển các tích trò, kỹ thuật biểu diễn từ 28 phường rối dân gian này. Chính hai đoàn chuyên nghiệp đã mang rối nước Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Họ thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài, và ngay tại Hà Nội thì sân khấu rối nước của hai nhà hát này vẫn luôn đỏ đèn.

Trong khi đó, cơ chế thị trường đã làm cho các phường rối dân gian lâm vào tình cảnh khó khăn. Từ 28 phường, giờ đây chỉ còn 15 phường: Đào Thục (Hà Nội); Bình Phú, Làng Yên (Hà Tây); Nguyên Xá, Đông Các (Thái Bình); Đồng Ngư (Bắc Ninh); Chàng Sơn (Hà Tây); Nhân Hòa (Hải Phòng); Nghĩa Trung, Nam Giang, Nam Chấn, Nghĩa Hưng (Nam Định); Bùi Thượng, Thanh Hải, Hồng Phong (Hải Dương). Có được sự tồn tại của 15 phường như hiện nay cũng phải kể đến công sức của những người làm rối chuyên nghiệp và sự giúp đỡ về mặt tài chính của Quỹ Ford.

Năm 2002, Quỹ Ford tài trợ giúp các phường rối nước đào tạo được lớp nghệ nhân biểu diễn rối (tuổi đời từ 15 đến 25) để thay thế cho các nghệ nhân cao tuổi. Từ nguồn tài trợ này, một loạt nhà thủy đình ở các phường được xây cất cùng hình mẫu và kích cỡ, đồng thời các phường cũng được chu cấp bộ rối để biểu diễn giống hệt nhau (đều từ một đầu mối sản xuất). Việc giúp đỡ đồng bộ về thủy đình và bộ quân trò để biểu diễn có tác dụng ngược lại mục đích của những nhà làm công tác bảo tồn, phát triển múa rối nước dân gian. Vì sự đồng bộ đó đã làm mất đi bản sắc dân gian của các phường rối-đặc trưng bản sắc của mỗi làng quê. Các thủy đình xây cất phải hài hòa với cảnh quan. Thủy đình được xây cất ở ao hồ, cảnh quan trống trải trở nên bé nhỏ, còn nếu được xây trong ao nhỏ ở giữa làng thì trông rất bức bối. Còn những nghệ nhân trẻ được đào tạo thì cũng dần xa rời với rối bởi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền…

Các phường rối muốn phát triển hoạt động đòi hỏi phải có thêm tiết mục mới, có vậy mới có thể cạnh tranh, tạo chỗ đứng cho mình giữa biết bao trò vui chơi, thể loại văn hóa giải trí hiện đại. Nhưng để có thể tạo tiết mục mới, đục tạc quân trò biểu diễn mới, các phường cần có nghệ nhân làm công việc thiết kế-tạo hình rối, nhưng lực lượng này chỉ đếm được trên đầu ngón tay tại 15 phường rối. Có nhiều phường trước đây thiết kế tạo hình rối rất đẹp như: Thạch Thất (Hà Tây); Đào Thục, Đông Anh (Hà Nội)… nay lại bị ảnh hưởng các hình thức mỹ thuật hiện hành, nên tạo đục rối bị xấu đi, không giữ được chất mộc mạc, giản dị, thuần hậu của nghệ thuật điêu khắc dân gian của rối nước từ xưa vốn có.

Điều này trở thành một trong những nguyên nhân làm các phường rối hầu như không có đất diễn.

Thực trạng... khó giấu

Từ tháng 3 năm 2006, Quỹ văn hóa Thụy Điển-Việt Nam, Quỹ Ford và sự hỗ trợ của Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, 15 phường rối dân gian đã hội tụ về Bảo tàng dân tộc học để biểu diễn. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2006, với mục đích giúp họ tìm lại công chúng, không chỉ là khách du lịch nước ngoài, mà chủ yếu là người Việt Nam, đặc biệt là đối tượng trẻ em, học sinh có thể tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa của dân tộc. Hơn thế, qua một thời gian biểu diễn kéo dài, nghệ nhân các phường rối cũng có thể nâng cao tay nghề, dần dần học cách biểu diễn chuyên nghiệp hơn sau những giao lưu, học hỏi.

Nhưng qua thời gian biểu diễn, điều đáng buồn là khi tìm cách khôi phục, các phường này đều phải học lại những tích rối, cách diễn từ các đoàn chuyên nghiệp, trong đó nổi bật nhất là sự sa sút về nghệ thuật. Ngoài chuyện các quân trò (con rối) của các phường có hình thức mỹ thuật tạo hình tương tự nhau (vì được sản xuất cùng một địa chỉ), làm mất đi bản sắc riêng, có những địa phương tự tạo được quân trò lại giống như đạo cụ trực quan cho học sinh, không tạo được tính chất tươi vui, dí dỏm của tạo hình rối dân gian truyền thống có sự khái quát, ước lệ cao. Màu sắc tô vẽ lòe loẹt hoặc mờ nhạt, mảng miếng vụn vặt… Quan niệm tạo tích trò cũng bị lai căng. Một số trò mất đi sự tinh tế, duyên dáng Á Đông do người sáng tạo trò chịu ảnh hưởng méo mó bởi tác động của xã hội đương đại… Một trong số các phường gây thất vọng nhất lại là Đào Thục, Đông Anh. Bởi đây là phường được đông đảo người dân và du khách biết đến những chuyến công diễn trong và ngoài nước, được giới bảo tồn đánh giá cao vì nơi đây có lớp nghệ nhân rất trẻ kế nhiệm. Nhưng đến biểu diễn và tham gia cuộc thi với các phường họ lại thuê đạo diễn để dựng kịch bản, thuê con giống (hàng chợ, hàng mã) chứ không phải là con trò…

Tìm lối đi cho rối nước làng

“Việc bảo tồn tính truyền thống đối với múa rối nước dân gian không thể thả nổi, cũng không thể một hay một nhóm chuyên gia đảm nhận, mà cần cả đội ngũ đông đảo các nghệ nhân dân gian (15 phường) thực hiện. Để làm tốt việc này cần có sự hướng dẫn, đào tạo kiến thức cho các nghệ nhân”-NSƯT Đặng Ánh Ngà, nguyên Phó giám đốc Nhà hát múa rối nước Trung ương, và đang là cố vấn chuyên môn cho dự án “Đào tạo nghệ nhân cho các phường múa rối nước dân gian” đã khẳng định như vậy khi đề cập tới vấn đề bảo tồn và phát triển các phường rối.

Để bảo tồn và phát triển có hiệu quả, ngoài việc giúp các phường phục hồi trò rối cổ, tháng 7 vừa qua, Quỹ văn hóa Thụy Điển-Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho các phường xây dựng trò mới, thể hiện về nội dung đời sống, sinh hoạt xã hội hiện đại. Ban tổ chức đã chọn được 5 tiết mục của 5 phường: “Bảo vệ môi trường” của phường Hồng Phong (Hải Dương); “Lời ru của mẹ” phường Nghĩa Trung (Nam Định); “Thâm canh nông nghiệp” phường Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Tây); “Hãy cứu lấy con tôi” phường Đồng Ngư (Thuận Thành, Bắc Ninh) và “Lễ hội làng tôi” của phường Thanh Hải (Hải Dương).

Với lần thử nghiệm này, nghệ nhân của các phường đã hết mình “ra tay”. Một mặt, các nghệ nhân đã hướng dẫn thế hệ trẻ trong làng tìm tòi, đục đẽo quân trò, hướng dẫn luyện tập ngày đêm để hoàn thành tiết mục. Mặt khác còn truyền tải những bí kíp đặc sắc của múa rối làng mình mà theo như các nghệ nhân nói “lâu nay chưa có điều kiện truyền nghề”.

Theo ông Nguyễn Văn Huy-Giám đốc Bảo tàng dân tộc học, năm 2006 mới là năm khởi đầu của chương trình này. Dự định, Bảo tàng sẽ tiếp tục mời các phường rối biểu diễn dài kỳ trong những năm sau. Bên cạnh đó, sẽ giới thiệu với khách du lịch đến tận các làng quê nơi có các phường rối dân gian. Du khách có thể trực tiếp thưởng thức múa rối trong chính môi trường sống của nó. Bởi hiện tại những người làm công tác bảo tồn không những phải khôi phục những giá trị đã mất của múa rối dân gian, mà còn phải tìm lại công chúng cho nó nữa.

VƯƠNG HÀ