Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động đón chào lễ Vu Lan năm nay diễn ra ấm áp và xúc động, là dịp để giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ nét đẹp văn hóa của dân tộc. 

Mặc dù trời mưa lớn, nhưng nhiều phật tử đã có mặt tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) từ sớm để làm lễ. Ảnh: VÂN VÂN

Ghi nhận tại Hà Nội, dù trời mưa tầm tã nhưng nhiều người dân đã tìm đến nơi cửa Phật nhằm cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên cũng như cầu phúc cho những người thân trong gia đình. Có mặt tại chùa Phúc Khánh từ sớm, chị Phạm Kỳ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) tranh thủ vái vọng từ cổng chùa. Chị cho hay: "Lễ Vu Lan mang ý nghĩa lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn dạy con người ta nhớ về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn. Cơn mưa giống như một cách ban phước cho dân chúng".

Sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, năm nay tại nhiều ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lễ Vu Lan được tổ chức trong không khí trang trọng và ấm cúng, với sự tham gia của đông đảo người dân, phật tử. Lễ Vu Lan năm nay dù được tổ chức ở nhiều quy mô, hình thức khác nhau, song mỗi người đều cảm nhận được nét đẹp văn hóa của truyền thống dân tộc, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về tinh thần hiếu hạnh trong văn hóa Phật giáo và đạo hiếu của dân tộc. Đó là cùng nhau lan tỏa tình yêu thương và truyền đi thông điệp về sự sẻ chia trong cuộc sống, để có một mùa Vu Lan hiếu hạnh, an vui.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhân dịp lễ Vu Lan, rất đông Phật tử, người dân tập trung đến chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) để dâng hương và thả hoa đăng xuống sông Sài Gòn, cầu bình an cho người thân. Khác với mọi năm, năm nay chương trình này hạn chế số lượng người tham dự. Do đó, chỉ có 600 người đăng ký từ trước như thông báo của chùa mới nhận được thư mời tham dự chương trình này. Sau khi kết thúc buổi lễ, nhà chùa sẽ có bộ phận thu gom lại hoa đăng trên sông để bảo vệ môi trường.

 Chương trình thả hoa đăng tại chùa Diệu Pháp. Ảnh: ĐỘC LẬP

Đốt vàng mã không phải là báo hiếu

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do chưa hiểu rõ về ý nghĩa của lễ Vu Lan và giáo lý đạo Phật nên không ít người vẫn quan niệm đốt nhiều vàng mã trong dịp này. Đây là một quan niệm sai lầm và chúng ta cần hạn chế.

“Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Việc đốt nhiều vàng mã sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng xấu đến môi trường”, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết.

Người dân Hà Nội thành tâm nơi cửa Phật. Ảnh: TRỌNG TÀI

Lễ Vu Lan trở thành buổi lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh: “Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, hình thức, đó mới là điều cốt lõi. Do vậy, việc đốt vàng mã nhiều như hiện nay là rất lãng phí”.

Hiểu rõ để không biến tướng tục phóng sinh

Theo khảo sát của phóng viên tại tuyến phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), nhu cầu mua chim phóng sinh của người dân trong ngày lễ Vu Lan tăng cao. Mỗi ngày, một tiểu thương tại đây có thể bán ra từ 2.000-3.000 con chim. Theo một tiểu thương, chim phóng sinh mà họ nhập về chủ yếu của người dân bắt từ các tỉnh vùng cao như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai…

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, phóng sinh động vật là nghi lễ tốt đẹp trong những ngày tháng 7 âm lịch. Nhưng hiện nay nhiều người thiếu hiểu biết dẫn đến nghi thức này bị biến tướng, vô tình tiếp tay cho nạn săn bắt và tận diệt động vật.

 Người dân TP Hồ Chí Minh ra bờ sông thả cá phóng sinh dịp lễ Vu Lan. Ảnh: TỨ QUÝ

“Việc phóng sinh động vật thì cũng có người làm tốt vì người ta cảm thấy mình được giác ngộ. Nhưng cũng có người thiếu hiểu biết phóng sinh theo kiểu bắt nơi này bỏ nơi kia, phóng sinh một cách không ý thức. Họ tưởng rằng việc phóng sinh nhiều động vật thì sẽ thu được nhiều lộc. Việc phóng sinh, nếu làm không đúng, thì không những không được phúc đức mà chúng ta hủy hoại tự nhiên, hại bản thân tâm lý tình cảm và nhận thức của mình. Những người phóng sinh theo phong trào dễ dẫn vào việc tham sân si trong nhà Phật. Để việc làm có ý nghĩa, phóng sinh phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên. Và người phóng sinh phải chọn môi trường phù hợp, không gây hại cho môi trường”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ chia sẻ.

NGÂN CHI