Năm nay, do diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, lễ hội không được tổ chức nhưng người dân nơi đây lại có niềm vui lớn, đó là đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên.
Trong niềm vui chung của người dân huyện Quảng Hòa, ông Hoàng Mạnh Đức (75 tuổi, ở thị trấn Quảng Uyên) cho biết, nếu không có dịch bệnh thì lễ hội diễn ra rất vui. Lễ hội được tổ chức từ chiều 30 tháng Giêng đến hết ngày 2-2 âm lịch, gắn với huyền tích dân gian mừng chiến thắng khao quân của vị tướng Nùng Trí Cao sau khi đánh tan quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi phía Bắc nước Đại Việt dưới thời nhà Lý, thế kỷ 11. Tại các địa phương đi qua, Nùng Trí Cao tổ chức khao quân ăn mừng chiến thắng. Khi đến vùng đất Quảng Hòa trong lễ khao quân, Nùng Trí Cao chọn bãi đất phẳng và huy động trai tráng trong vùng chia thành nhiều đội để tranh đầu pháo, đội nào thắng, tranh được đầu pháo sẽ gặp may mắn, tài lộc cả năm; người giành đầu pháo là người tài giỏi, được Nùng Trí Cao lựa chọn để vào quân binh. Lễ hội gắn với ngôi miếu cổ Bách Linh. Miếu Bách Linh có từ thời nhà Lý, là nơi thờ 100 điều linh thiêng, đứng đầu là con rồng (một trong tứ linh "long, ly, quy, phượng"). Vì lẽ đó, nghi lễ đầu tiên là khai quang mở mắt rồng.
 |
Đoàn múa rồng thực hiện bài múa sau khi làm lễ tại đền thờ tướng Nùng Trí Cao. |
Theo quan niệm từ xa xưa, rồng bay từ dưới nước lên nên mỏ nước đầu nguồn Bó Cốc Chủ của thị trấn Quảng Uyên được chọn làm nơi khai quang mở mắt rồng và duy trì liên tục từ xưa đến nay. Năm nay, chiều 30 tháng Giêng, đoàn làm lễ xuất phát từ UBND thị trấn Quảng Uyên đến mỏ nước Bó Cốc Chủ. Đi đầu là 4 cụ cao niên trong ban tế lễ, đoàn khiêng kiệu, đội múa rồng, múa lân, đại biểu, quần chúng nhân dân và du khách tham dự lễ hội. Trên đường đến mỏ nước, đoàn múa rồng chưa được múa, trống, chiêng chưa được phép đánh mà chỉ bước đi lặng lẽ. Bởi theo quan niệm, lúc này rồng vẫn còn đang ngủ, chưa mở mắt.
Trong nghi lễ, các bậc cao niên đại diện cho những dân tộc sinh sống chủ yếu tại thị trấn Quảng Uyên được tín nhiệm giữ trọng trách làm thủ tục cắt tiết gà, lấy tiết gà mở mắt rồng. Lúc này, từng hồi trống vang lên dồn dập. Sau những hồi trống uy nghiêm, rồng uốn lượn bay lên dưới đôi tay uyển chuyển của các tráng sĩ cùng với kỳ lân múa lượn xung quanh mỏ nước 3 vòng, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Sau nghi lễ tại mỏ nước, rồng, kỳ lân và đoàn rước kiệu đến miếu Bách Linh, đền Nùng Trí Cao, đền Trần Hưng Đạo, chùa Thiên Phúc để khai hội pháo hoa.
Ông Hoàng Mạnh Đức kể, thời trai trẻ ông từng nhiều lần tham gia đội lễ hội tranh đầu pháo, có hai lần ông đã giành được phần thắng. Đầu pháo là một vòng sắt có quấn các tua ngũ sắc đặt lên chòi cao, sau khi đốt pháo, đầu pháo rơi xuống, các đội tranh pháo ở các làng bản đã đăng ký vào tranh, ai giành được đến tế thần và nhận phần thưởng. Nay bỏ tục đốt pháo, người chủ lễ đứng lên cao tung đầu pháo xuống sân, nơi tổ chức tranh pháo. “Nhân dân địa phương đời đời vẫn mang ơn vị tướng giỏi Nùng Trí Cao đã dẹp tan quân xâm lăng. Đời trước truyền đời sau, việc tổ chức lễ hội đã đi sâu vào tiềm thức, đời sống người dân chúng tôi”, ông Hoàng Mạnh Đức cho hay.
Bài và ảnh: THANH THỦY - THU DUNG