Tượng đài trong lòng dân

Tháng Năm về, mang theo cái nắng vàng trải nhẹ khắp miền quê xứ Nghệ. Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), quê hương Bác Hồ như bừng lên sức sống trong tiếng trống hội rộn ràng, trong sắc cờ rực rỡ tung bay, trong những nụ cười hân hoan hiện diện trên từng gương mặt, trên những con đường làng xanh mát. Năm nay, niềm vui của người dân Làng Sen như được nhân đôi. Bức tượng “Bác Hồ về thăm quê” vừa được xây dựng trang trọng đặt tại sân vận động Làng Sen, nơi Bác thân tình trò chuyện với bà con nhân dân trong hai lần về thăm quê vào các năm 1957 và 1961. 

Đứng trước tượng Bác, nhiều cụ già rưng rưng nhớ lại ký ức xưa, như vẫn thấy bóng dáng thân thương của Người đang bước qua lũy tre làng. Trong sâu thẳm trái tim người dân nơi đây, Bác vẫn trong ký ức, trong niềm tự hào và trong từng nhịp sống bình dị mà đổi mới của quê hương Làng Sen hôm nay.

Một tiết mục trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng "Tiếng hát Làng Sen" toàn quốc năm 2025.

Nói về những điểm nhấn của Lễ hội Làng Sen năm nay, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: “Lễ hội được tổ chức quy mô toàn quốc, với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có 6 hoạt động trọng điểm do các đơn vị Trung ương chủ trì, đã thể hiện tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của lễ hội. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Làng Sen với chủ đề “Tượng đài trong muôn triệu trái tim” gắn với sự kiện khánh thành tượng đài “Bác Hồ về thăm quê”. 

Đêm khai mạc Lễ hội Làng Sen diễn ra trong không khí chan hòa, xúc cảm. Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tượng đài trong muôn triệu trái tim” khắc họa chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm kính yêu, sự ngưỡng vọng và niềm tự hào vô bờ của nhân dân đối với Bác; giới thiệu, quảng bá về văn hóa Làng Sen, quê hương Nghệ An tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Trong đó, phân cảnh về cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và người chị gái Nguyễn Thị Thanh sau 40 năm xa cách là khoảnh khắc xúc động được thể hiện qua hình thức kịch nói kết hợp tinh tế với làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Cuộc hội ngộ đã làm bao người cảm động, rưng rưng nước mắt. Một phân cảnh nghệ thuật nhưng cũng là một khoảnh khắc lịch sử, một bài học về lòng yêu nước gắn với tình thân, rằng để cứu nước, Bác đã phải tạm gác tình nhà, gạt đi nỗi niềm riêng tư, hy sinh trọn đời cho dân tộc.

Khơi dậy khát vọng sống đẹp

Ngoài các phần lễ nghi lễ dâng hương, tưởng niệm, rước ảnh Bác, phần hội của Lễ hội Làng Sen năm 2025 là chuỗi hoạt động văn hóa ý nghĩa như: Hội diễn “Tiếng hát Làng Sen”; Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN” và Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” với nhiều tư liệu, hiện vật quý về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Các hoạt động thể thao như Giải vô địch vật dân tộc quốc gia, Giải marathon “Hành trình theo chân Bác-Vì an ninh Tổ quốc” cụ thể hóa sinh động lời căn dặn của Bác về tinh thần đoàn kết, ý chí rèn luyện thân thể. Từ những hoạt động giản dị mà giàu ý nghĩa ấy, lễ hội đã thắp lên trong thế hệ trẻ niềm tự hào về cội nguồn, khơi dậy trách nhiệm gìn giữ và xây dựng quê hương, đất nước.

Một trong những sự kiện văn hóa gây chú ý trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Làng Sen năm nay là Tuần phim về Bác Hồ và giao lưu với các nghệ sĩ, đoàn làm phim. Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giới thiệu bộ phim “Vầng trăng thơ ấu”-tác phẩm được Nhà nước đặt hàng, do Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng sản xuất. Phim tái hiện tuổi thơ và thời niên thiếu của Bác tại kinh thành Huế, nơi Người lớn lên trong một gia đình yêu nước, dưới sự giáo dục nghiêm khắc nhưng đầy tình yêu thương của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và thân mẫu Hoàng Thị Loan. Ngoài bộ phim “Vầng trăng thơ ấu”, tuần phim còn có phim tài liệu "Những nét vẽ từ trái tim" do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất; phim "Đào, Phở và Piano" do Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất. Các bộ phim được chiếu miễn phí phục vụ người dân.

Những ngày này, Nhà hát Dân ca Nghệ An ngập tràn sắc màu và thanh âm khi hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vũ công từ 30 đoàn nghệ thuật quần chúng trên khắp mọi miền đất nước hội tụ về tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” toàn quốc. Được tổ chức 5 năm/lần trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội diễn góp phần tôn vinh hình tượng cao đẹp và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người qua từng giai điệu, vũ khúc sâu lắng.

Năm nay, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Gia Lai đại diện cho vùng đất đại ngàn Tây Nguyên lần thứ hai góp mặt tại hội diễn. Với tất cả sự trân trọng, Đoàn mang đến một chương trình biểu diễn giàu cảm xúc, được xây dựng dựa trên bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, tại Pleiku vào ngày 19-4-1946. Những lời Bác căn dặn ngày ấy giờ đây được thổi hồn trong từng tiết mục, như một lời hiệu triệu về tinh thần đại đoàn kết dân tộc-thông điệp xuyên suốt mà Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Gia Lai muốn gửi gắm. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Phụ trách Đội tuyên truyền lưu động, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai) chia sẻ: “Đoàn Gia Lai đã miệt mài luyện tập. Mỗi thành viên đều mang trong tim mình những tình cảm kính trọng, biết ơn của người dân Tây Nguyên, cùng mong muốn mang âm vang đại ngàn, mang sắc màu núi rừng dâng lên Bác”.

Thông qua những hoạt động văn hóa ý nghĩa, mỗi người dân khi đến với Lễ hội Làng Sen không chỉ để dâng nén hương lòng mà còn để “soi lại mình” trong tấm gương đạo đức, lối sống của Bác. Từ đó, mỗi người khi trở về với cuộc sống thường nhật sẽ thấy trái tim ấm áp hơn, ý chí mạnh mẽ hơn và khát vọng sống đẹp, sống có ích hơn. Đó chính là thành công lớn nhất mà Lễ hội Làng Sen mang lại-một lễ hội của hành trình kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.

HOÀNG HOA LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.