Sau khi hành lễ, Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh gõ chiêng và khấn: “Dậy dậy chiêng hỡi, dậy dậy chiêng à/ Dậy hết dàn chiêng ngân chiêng nga... Tiếng chiêng đông hết 9 tinh 10 mường/ Cầu mùa cho thuận, nắng cho hòa/ Cầu cho con dân Mường ta khỏe mạnh/ Lúa mát tốt tươi/ Người người vui vẻ...”.

Khi nghi thức gõ chiêng kết thúc, đội hình tiến hành rước kiệu, đi sau là đội thiếu nữ Mường với những ống tre, lồ ô đựng nước. Đoàn lễ chọn một khu ruộng, thực hiện nghi thức cày ruộng, gieo hạt và tưới nước, cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

Nghi thức gọi chiêng trong Lễ hội khai hạ của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình.

Lễ hội khai hạ dân tộc Mường có từ lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất của người Mường trong năm, đặc biệt ở 4 vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình là Bi, Vang, Thàng, Động. Tùy từng vùng Mường mà lễ hội được tổ chức vào các ngày và địa điểm thực hiện nghi trình, nghi thức có sự khác nhau. Đối với Lễ hội khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức vào mồng 7, 8 tháng Giêng hằng năm tại miếu thờ xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, nơi gắn liền với truyền thuyết về Quốc mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Đối với Lễ hội khai hạ Mường Vang được tổ chức vào mồng 4 tháng Giêng tại miếu Áng Ka và tại mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) vào mồng 7 tháng Giêng. Lễ hội khai hạ Mường Thàng (Cao Phong) tổ chức vào mồng 5, 6 tháng Giêng tại miếu Cả, xã Dũng Phong. Lễ hội Mường Động (Kim Bôi) tổ chức vào mồng 3 tháng Năm tại miếu Mường Chanh, xã Vĩnh Đồng. 

Chị Bùi Thị Thảo (xã Quang Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết, trước khi chưa khai hạ, người Mường còn đang nghỉ ngơi, đi chúc tụng; sau khai hạ, mọi người tập trung làm ăn, mong cho vạn sự như ý. “Khâu chuẩn bị cho lễ hội phải có ruộng, trâu, chiêng, trang phục dân tộc, bài khấn, đồ lễ. Năm nào lễ khai hạ được tổ chức ở vùng Mường nào thì người dân địa phương trong vùng rất vui mừng, cảm thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe dồi dào để bước vào vụ mùa mới”, chị Bùi Thị Thảo chia sẻ.

Từ năm 2002 đến nay, Lễ hội khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình được phục dựng và tổ chức thường niên ở huyện Tân Lạc, nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị truyền thống loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo này. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, Lễ hội khai hạ thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn sùng vị thần có công lập đất, lập mường, ôn lại truyền thống đã qua, đưa người dân trở về không gian văn hóa xưa với những truyền thống tốt đẹp. Lễ hội thể hiện giá trị văn hóa, gắn kết cộng đồng; là cơ hội quảng bá và thu hút khách du lịch đến với Hòa Bình. 

Bài và ảnh: MỸ ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.