Dự lễ khai mạc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng. Cùng dự có Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, cựu chiến binh và các tầng lớp nhân dân.

Đất thiêng nở hoa hòa bình

Tháng bảy, trời Quảng Trị cao xanh, nắng vàng vời vợi, đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải từng là giới tuyến của chiến tranh, chia cắt hai miền đất nước nay hiền hòa với những nhịp cầu nối đôi bờ vui. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 27-7, Thượng tá Bùi Minh Ngọc, Đội trưởng Đội xe Bộ Tham mưu, Tổng cục Kỹ thuật lại về thăm Quảng Trị, nơi mà bố anh-liệt sĩ Bùi Minh Tiến, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 320B-hy sinh năm 1970, lúc đó anh Ngọc chưa đầy một tuổi.

Đất nước thống nhất, sau hơn 35 năm tìm kiếm, đến năm 2010, những người thân trong gia đình anh mới tìm được hài cốt của ông. Vào Quảng Trị, anh đi qua cầu Hiền Lương, đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, trò chuyện cùng bố. Anh mân mê tấm bia mộ của bố, thì thầm: “Bố ơi, năm nay con tròn 38 năm phục vụ Quân đội, đến tuổi nghỉ hưu. Con đã đi trọn con đường mà bố còn dang dở”. Gia đình Thượng tá Bùi Minh Ngọc đại diện cho muôn vàn nỗi đau chiến tranh của nhiều gia đình trên đất nước Việt Nam, đau thương mất mát biến thành niềm tự hào và trân trọng giá trị của hòa bình. 

Đến dự chương trình, cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Lê Phước Thới (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Quân khu 4 từng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Ông đã để lại một phần máu xương của mình trên chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Theo dõi những phần xúc động và ý nghĩa của chương trình, đôi mắt ông ngấn lệ, nhưng đó không phải những giọt nước mắt của khổ đau mà là giọt nước mắt xúc động khi chứng kiến những vết thương chiến tranh được hàn gắn, hóa giải.

leftcenterrightdel
 Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc Lễ hội vì hòa bình năm 2024.

Lễ hội vì hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị, nơi chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt, cũng là nơi cảm nhận đầy đủ nhất khát vọng sống, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, khát vọng thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam, mảnh đất chịu đựng nhiều hy sinh mất mát. Cũng vì lẽ đó mà hòa bình luôn là khát vọng thường trực cháy bỏng trong mỗi người dân ở đất nước này.

Quảng Trị, mảnh đất bị tàn phá bởi chiến tranh nay đã hồi sinh và trên đường phát triển. Trước thềm lễ hội này, tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị, công trình mang biểu tượng hòa bình và hiện thực hóa khát vọng “mở cửa bầu trời, cất cánh bay lên” của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị.

Bạn bè quốc tế đã chọn mảnh đất Quảng Trị để gửi gắm thông điệp về hòa bình theo cách của họ. Em trai của bà Jerilyn Brusseau, người sáng lập tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam là phi công Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Viên phi công tử trận cùng với chiếc máy bay bị bắn hạ đã được Chính phủ Mỹ tặng thưởng huy chương. Sau khi chiến tranh kết thúc, ước nguyện của người mẹ là tấm huy chương đó của con trai sẽ được chôn xuống mảnh đất Quảng Trị và trên đó trồng lên một cây xanh. Bà Jerilyn Brusseau đã hiện thực hóa ước nguyện đó bằng cách sáng lập tổ chức trồng cây xanh, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và phát triển cộng đồng tại Việt Nam. Hàng ngàn cây hòa bình trên mảnh đất Quảng Trị và đất nước Việt Nam ngày một lớn lên, đơm hoa kết trái, sinh sôi nảy nở như một biểu tượng về ước nguyện hòa bình của người dân Việt Nam và toàn nhân loại.

Hòa bình-Khát vọng của nhân loại

Chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc Lễ hội vì hòa bình với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu” với sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên và các chiến sĩ, nhân dân cùng thanh thiếu niên tỉnh Quảng Trị. Sau đêm khai mạc sẽ mở ra một chuỗi các hoạt động tưởng niệm, tri ân đầy ý nghĩa cùng nhiều sự kiện chính luận, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch xuyên suốt trong tháng bảy.

Điểm nhấn của lễ hội là lần đầu tiên tạo ra một chương trình nghệ thuật thực cảnh, với sân khấu kết hợp đa không gian: Trên bờ-dưới sông-trên cây cầu Hiền Lương, kết nối hai trục Bắc-Nam của sông Bến Hải và cả trên bầu trời, cùng nhiều “điểm chạm xúc cảm” để tạo ra cảm xúc "mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị".

Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Lễ hội vì hòa bình nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; truyền đi thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và mong muốn được đóng góp vào việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình cho nhân loại”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Quảng Trị trong việc tổ chức Lễ hội vì hòa bình. Đồng chí Phó chủ tịch nước nhấn mạnh, từ vùng đất đã từng bị hủy diệt bởi chiến tranh đang mạnh mẽ hồi sinh, lễ hội sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân mong rằng, Lễ hội vì hòa bình sẽ ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút; tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, của nhân dân, du khách trong và ngoài nước để chung tay xây dựng, nâng tầm giá trị của lễ hội trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc, có uy tín không chỉ của Quảng Trị mà còn mang tầm quốc gia và quốc tế.  

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra xuyên suốt tháng bảy. Ông Đặng Lê Minh Trí, Tổng đạo diễn khai mạc Lễ hội vì hòa bình năm 2024 bày tỏ: “Chúng tôi tập trung nhấn mạnh vào sự hồi sinh kỳ diệu của mảnh đất Quảng Trị, những điều chúng ta đang có. Bên cạnh đó, khi tái hiện dòng lịch sử hào hùng của dân tộc, ê kíp sáng tạo không nhấn vào sự tàn khốc của chiến tranh, mà tập trung vào khát vọng hòa bình. Tất thảy đều chuyển đi thông điệp, hãy đến với Quảng Trị, Việt Nam để cảm nhận giá trị của hòa bình đang hiện hữu tại nơi đây, để từ đó chúng ta có cảm hứng góp phần lan tỏa khát vọng hòa bình đến toàn thế giới”.

Nét riêng độc đáo của Lễ hội vì hòa bình năm 2024 là không có chương trình bế mạc, bởi hòa bình là khát vọng mãi mãi. Trong phần trình diễn nghệ thuật ánh sáng, sau tiếng chuông hòa bình gióng lên, đội hình ánh sáng biến đổi từ chiếc chuông thành hình tượng chim bồ câu ngậm bông lúa tung bay trên bầu trời với ý nghĩa truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung và nhân nghĩa, mong muốn chung tay kiến tạo một thế giới hòa bình, phồn vinh và phát triển.

Bài và ảnh: MINH TÚ - HOA LÊ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.