Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, dựng kịch chính luận khó, nhưng đề tài này đang có sức hút trở lại.

Phóng viên (PV): Nói đến sân khấu kịch, đề tài chính luận luôn có sức hút với người làm sân khấu và khán giả. Tuy nhiên có giai đoạn, đề tài này thưa vắng trên sân khấu, nguyên nhân do đâu, thưa anh?

NSƯT Nguyễn Xuân Bắc: Trong quá trình hình thành và phát triển của nền kịch nói nước nhà, kịch chính luận đóng vai trò then chốt. Ở các đơn vị nghệ thuật, những vở kịch chính luận góp phần quan trọng tạo nên bề dày lịch sử truyền thống của đơn vị đó. Những vở kịch chính luận lừng lẫy một thời đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho nhiều thế hệ khán giả yêu sân khấu.

Cảnh trong vở “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát Kịch Việt Nam.Ảnh do Nhà hát Kịch Việt Nam cung cấp

Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận, nền nghệ thuật sân khấu đã đi qua giai đoạn hoàng kim và đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp. Việc tiếp nhận dễ dàng quá nhiều thông tin, các loại hình giải trí trên các phương tiện hiện đại đã dẫn đến việc thay đổi thái độ, suy nghĩ và sự tiếp nhận của các tầng lớp khán giả. Chính ảnh hưởng mạnh mẽ đó đã tác động đến sự thay đổi của nhiều đơn vị nghệ thuật. Từng có một khoảng thời gian, người ta đổ xô đi mua vé xem hài kịch đơn giản hay những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần. Kịch chính luận gần như bị lãng quên.

PV: Vậy chính kịch đang đứng ở đâu? Và theo dự đoán của anh, đề tài này liệu có sức hút trở lại?

NSƯT Nguyễn Xuân Bắc:
Chính kịch hiện nay đã được nhìn nhận rõ để lấy lại vị thế của mình. Theo số liệu thống kê của bộ phận truyền thông tại một số nhà hát, tổng số buổi biểu diễn những vở kịch chính luận tăng lên đáng kể, đặc biệt thu hút khán giả trẻ mua vé đi xem. Vì sao lại có sự đảo ngược như vậy? Bởi một lý do rất đơn giản: Khán giả vẫn cần xem, muốn xem kịch chính luận. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, những bài học sâu sắc, tình yêu thương con người hay những triết lý sống cao đẹp... chỉ có thể được truyền tải rõ nét nhất qua chính kịch. Sự vận động không ngừng, sức sống của các nhân vật, với khát khao hành động để giải quyết các mâu thuẫn là một trong những nét đặc trưng của kịch nói khiến người xem không thể rời mắt, đồng cảm với số phận nhân vật thông qua tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ và không gian nghệ thuật mà vở diễn đem lại. Đó cũng chính là bí quyết của các nghệ sĩ, để từ đó có thể đưa ra những bài học giúp người ta sống tốt hơn, giúp họ tự nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi cũng như cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp.

PV: Vậy theo anh, cần phải làm gì để kéo khán giả đến nhiều hơn và gần hơn với kịch chính luận?

NSƯT Nguyễn Xuân Bắc: Kịch chính luận có sức hút trở lại là một tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật sân khấu. Điều này xuất phát từ lý do xác đáng là trong khoảng thời gian dài phải xem những vở diễn được dàn dựng có phần dễ dãi, những tiếng cười đơn giản, đôi khi kèm theo yếu tố sốc, sến... thì giờ đây, qua những vở kịch chính luận, khán giả có cơ hội đắm mình vào không gian sân khấu thực sự và đến sân khấu không phải để xem mà là để thưởng thức nghệ thuật.

Để dàn dựng được một tác phẩm kịch hay đã rất khó, dàn dựng một tác phẩm chính kịch hấp dẫn và thu hút khán giả ngày nay lại càng không hề đơn giản. Nhận thức rõ nhu cầu và thị hiếu của khán giả, những năm qua, nhiều nhà hát đã dàn dựng những vở diễn đề cập tới các vấn đề bức thiết của xã hội bằng cách nhìn nhận mới mẻ, mang đậm hơi thở cuộc sống đương thời, chạm tới xúc cảm của người xem, dù đó là những vấn đề tưởng chừng rất khô cứng, như: Vấn đề tham nhũng trong “Tai biến”, “Dư chấn”; về tính sĩ diện của con người trong vở hài kịch chính luận “Bệnh sĩ”; về nhân cách con người bị tha hóa trong “Lâu đài cát”, “Biệt đội báo đen”; về giá trị của lòng tốt trong “Người tốt nhà số 5”; hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong “Bão tố Trường Sơn”... Nghệ sĩ chúng tôi sẽ không ngừng sáng tạo, học hỏi để cống hiến vì sân khấu, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác dàn dựng những vở chính luận chuyên nghiệp và xứng tầm, có sức sống bền bỉ trong đời sống.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

HÀ ANH (thực hiện)