400 năm giữ nghề truyền thống

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, làng Vũ Lăng từ lâu đã nức tiếng gần xa với nghề sơn tạc tượng. Theo lời kể của người dân, nghề sơn tạc tượng tại Vũ Lăng đã có hơn 400 năm nay với biết bao thế hệ nối tiếp nhau giữ nghề, thổi hồn vào những pho tượng gỗ. Người từ xa đến chẳng cần để ý biển hiệu, chỉ cần thấy gỗ lớn nhỏ xếp dọc đường tiếng đục đẽo, mùi mùn cưa ngái ngái là biết ngay tới Vũ Lăng rồi. Và đến nay, sau hàng trăm năm, nghề truyền thống này vẫn luôn được lưu giữ, phát triển và là thế mạnh kinh tế của người dân địa phương.  

leftcenterrightdel

Làng Vũ Lăng nổi tiếng với nổi tiếng với nghề sơn tạc tượng, đồ thờ.

Được coi là nơi lưu giữ báu vật, tinh hoa của nghệ thuật tạc tượng, sản phẩm tượng của làng nghề Vũ Lăng luôn được làm tỉ mỉ, khéo léo từng chi tiết bởi bàn tay tài hoa của người thợ. Theo cuốn ngọc phả của làng, những pho tượng ở chùa làng Vũ Lăng có tuổi đời 300-400 năm được lưu giữ đều do những thợ giỏi của làng làm nên. Trải qua bao nhiêu năm tháng, sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân ở làng vẫn còn lưu dấu khắp các đình, chùa của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình,...

leftcenterrightdel

Những pho tượng ở chùa làng Vũ Lăng có tuổi đời 300-400 năm được lưu giữ đều do những thợ giỏi của làng làm nên. 

Ở Vũ Lăng nghề sơn tạc tượng được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối nên người dân của làng ngay từ nhỏ đã được làm quen với những dụng cụ làm nghề như cưa, dùi, đục, chạm... và lớn lên trong tiếng đục đẽo ấy, thừa hưởng tay nghề chạm khắc và tư duy nghệ thuật từ ông cha.

Theo nghề từ năm 16 tuổi, anh Nhâm Văn Chỉnh (45 tuổi) đã có ngót nghét 30 năm làm nghề. “Nhà tôi đã làm nghề tạc tượng từ lâu nên từ nhỏ tôi đã được theo ông, theo bố học nghề. Đến tôi đã là thế hệ thứ 4 của gia đình theo nghề mộc, chế tác tượng. Hiện nay, xưởng mộc của tôi có 15 nhân công, vừa duy trì giữ nghề truyền thống vừa tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng”, anh Chỉnh chia sẻ.

leftcenterrightdel

Anh Nhâm Văn Chỉnh là đời thứ 4 trong gia đình theo nghề tạc tượng. 

Chị Nguyễn Thị Minh - cán bộ Văn hóa xã Dân Hòa cho biết: “Làng Vũ Lăng có hơn 80% người theo nghề sơn tạc tượng. Nhờ tay nghề giỏi cũng như có tiếng tăm khắp gần xa, tượng của làng không chỉ cung cấp cho các tỉnh lân cận mà còn nhận đơn đặt hàng từ khắp các nơi trong nước, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Bởi vậy mà các hộ gia đình tại Vũ Lăng có cuộc sống khá sung túc. Các gia đình vẫn hướng con theo nghề, số lượng các bạn trẻ 9X theo nghề cũng khá nhiều”.

Tinh hoa bàn tay người thợ

Chỉ với những chiếc dùi, đục thô sơ mà người thợ Vũ Lăng có thể biến những khúc gỗ vô hồn thành những bức tượng Đức Ông phương phi đầy đặn, những vị Thánh hiền từ bi... Chính vì vậy mà người thợ Vũ Lăng được ví như những nghệ sĩ tạo hình với đôi bàn tay tài hoa.

leftcenterrightdel
Một bộ dùi, đục của những người làm nghề tạc tượng có tới khoảng vài chục cái với nhiều kích thước khác nhau. 

Sản phẩm tượng của làng Vũ Lăng luôn được làm chuẩn mực không chỉ mang tới giá trị thẩm mỹ, nhân văn mà còn cả giá trị kinh tế. Sở dĩ tượng Vũ Lăng nức tiếng tứ phương bởi mỗi bức tượng đều toát lên vẻ thần thái, uy nghi, sống động. Mỗi bức tượng đều được người thợ đặt cái tâm, cái tình nên bức tượng có hồn và mang đậm dấu ấn của người tạc. 

Theo các nghệ nhân lành nghề tại đây, để làm một bức tượng đẹp, bền thì khâu chọn gỗ rất quan trọng. Gỗ mít, dổi, vàng tâm thường được lựa chọn để tạc tượng. Gỗ chọn để tạc tượng và các loại đồ thờ phải là gỗ mềm, không bị mối mọt, nứt nẻ. Để chọn được gỗ tốt, người thợ cũng phải có con mắt tinh vi, có kinh nghiệm dày dặn mới tạo nên những bức tượng mang giá trị cao. 

leftcenterrightdel
 Gỗ mít dùng để tạc tượng có mùi thơm đặc trưng và có độ bền tốt, ít bị mối mọt và dễ thi công.

Để hoàn thành một pho tượng hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Sau khi chọn gỗ, người thợ sẽ tiếp tục xẻ gỗ, ghép gỗ, đục phá, đục gọt, chỉnh sửa, quét đất sét, sơn lót, đánh bóng, sơn tượng... Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ và cái tâm của người làm nghề. Với bàn tay tài hoa của người thợ, những khúc gỗ thô sơ được xẻ gọt, đục đẽo tạo ra những hình thù độc đáo. Những chi tiết khóe mắt, nét môi, vầng trán,... được người thợ tỉ mỉ khắc họa, tái hiện rõ nét, sinh động như khuôn mặt con người. Thời gian làm một pho tượng nhỏ thường mất từ 5-7 ngày công, còn những pho tượng to phải mất vài tháng mới hoàn thiện. 

Không chỉ cầu kỳ từ những nét chạm khắc, tạo hình, công đoạn được những người thợ Vũ Lăng đánh giá khó nhất lại là công đoạn sơn tượng. Với kinh nghiệm điêu khắc nhiều năm, anh Nhâm Văn Giáp (40 tuổi) chia sẻ: “Khi tạc hình xong thì phải hom, tức là tạo các nét nhẵn, mài đi mài lại để bức tượng bóng nhẵn rồi mới sơn. Công đoạn sơn tượng phải mất 9 nước sơn mới hoàn thành, cẩn thận thì 10 nước sơn, đợi lớp sơn này khô mới tới lớp sơn khác. Sau đó lại dùng sơn cầm để dán bạc hoặc vàng vào cho bức tượng thêm sinh động. Công đoạn này người ta còn gọi là “sơn son thếp bạc”, “phủ hoàn kim””.

leftcenterrightdel

Anh Nhâm Văn Giáp tay đục, tay dùi, miệt mài bên pho tượng gỗ. 

Một bức tượng sau khi hoàn thành sẽ được giao đi các đền, chùa khắp mọi nơi, in đậm dấu ấn tay nghề và cái “hồn” từ bàn tay người thợ làng Vũ Lăng. Bởi thế mà tượng Vũ Lăng có mặt ở khắp các đình chùa, di tích, nổi bật nhất là làm tượng ở chùa Một Cột ở Hà Nội, chùa Bái Đính tại Ninh Bình, chùa Keo ở Thái Bình hay một vài chùa ở Ukraine, Cộng hòa Czech.

Chăm chú chạm khắc từ chi tiết nhỏ, anh Nhâm Văn Giáp tâm sự: “Làm nghề tạc tượng gỗ cái quan trọng nhất là tư duy. Tài năng, sự khéo tay cũng chỉ là một phần thôi, người thợ giỏi phải là người có tư duy điêu khắc tốt, có trí tưởng tượng hoàn hảo, đồng thời cũng phải luôn cầu tiến, học hỏi, tham khảo không ngừng, từ cách quan sát ở trong sách vở, ngắm nghía các pho tượng ở đình chùa cổ xưa hay thậm chí là học hỏi từ những người thợ khác. Điêu khắc một pho tượng cỡ vừa, trung bình cũng phải mất một tháng, nên mỗi tác phẩm đều là tâm huyết của chúng tôi”.

leftcenterrightdel
Sản phẩm tượng của làng Vũ Lăng dưới bàn tay khéo léo ở của những người thợ luôn được làm chuẩn mực không chỉ mang tới giá trị thẩm mỹ, nhân văn mà còn cả giá trị kinh tế. 

Chính bởi những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ mà làng nghề truyền thống tạc tượng ở miền Bắc nổi tiếng vẫn là làng Vũ Lăng. Tượng ở đây có nét riêng, độc đáo, có hồn, có thần sắc hơn tượng ở các nơi khác, mang cái tâm, cái tình của người thợ Vũ Lăng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG THẢO