“Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”
Nằm dưới chân núi Đọi, làng Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam) từ lâu đã vang danh khắp cả nước với nghề làm trống độc đáo. Với lịch sử phát triển hơn 1.000 năm, ngày nay làng nghề vẫn duy trì và phát triển với những người thợ, nghệ nhân giỏi.
Theo người dân trong làng, ông tổ nghề làm trống Đọi Tam là hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Mùa xuân năm Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về cày ruộng tịch điền tại chân núi Đọi, hai người liền về nhà hạ cây mít trong vườn, thịt con trâu lấy da để dâng vua. Khi lễ Tịch điền diễn ra, nhà vua đánh ba hồi chín tiếng vang rền một góc trời. Sau đó, hai cụ mang nghề truyền lại cho dân làng và làng trống Đọi Tam có từ lúc đó. Hiện nay, dân làng Đọi Tam suy tôn cụ là Đệ Nhị Thần Hoàng và được tạc tượng thờ tại Đền di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Đọi Tam.
 |
Nghệ nhân Phạm Chí Khang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam. |
Về các kỹ thuật tạo nên một chiếc trống, nghệ nhân Phạm Chí Khang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chia sẻ, nghề làm trống ở Đọi Tam đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh tế. Để sản xuất ra một chiếc trống hoàn thiện gồm ba công đoạn chính: Làm da, tang trống và bưng trống.
Da được chọn làm trống là da trâu cái già, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít già, không bị cong vênh, nứt vỡ. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Ngoài ra, để cho trống thật kín, người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe.
 |
Tang trống sau khi ghép lại và đợi căng da mặt trống. |
Cuối cùng là bưng trống, là công đoạn khó nhất, không chỉ đơn giản là căng tròn da trâu lên bề mặt trống rồi dùng đinh bằng tre đóng cố định vào thân trống. Việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống phải có tai thính để thẩm định được tiếng trống được gắn vào nốt nhạc nào trong dàn trống.
Ông Phạm Văn Lễ, người đã có hơn 45 năm gắn bó với nghề làm trống cho biết: “Theo quy định được truyền từ cha ông, nghề làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài nhằm đảm bảo giữ bí quyết làng nghề không bị mai một”.
Trước kia, thanh niên ở làng khoảng 12, 13 tuổi đã được dạy làm các loại nhỏ, đến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại. Trống sấm chỉ dành cho những người thợ lành nghề, có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện.
 |
Ông Phạm Văn Lễ đang hoàn thiện những công đoạn làm trống cuối cùng. |
Với việc giữ nguyên truyền thống sử dụng gỗ mít và da trâu để chế tác, gắn liền với câu ca được lưu truyền: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”, giờ đây trống Đọi Tam không chỉ là sản phẩm thủ công mà đã trở thành biểu tượng văn hóa lâu đời của Việt Nam.
Giữ lửa nghề truyền thống
Cũng như bao làng nghề truyền thống khác, làng trống Đọi Tam đã trải qua nhiều thăng trầm. Có thời điểm, hầu hết người trong làng không nghĩ đến việc làm trống nữa do nhu cầu người sử dụng rất ít, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, làng trống Đọi Tam đã có những phát triển mang tính đột phá, với nhiều sản phẩm sáng tạo, phù hợp với nhiều nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Các sản phẩm sản xuất ở làng Đọi Tam với đủ các loại trống, từ trống dùng trong các đình chùa, trống chèo, trống trường… đến trống trung thu phục vụ cho các em nhỏ.
 |
Sản phẩm trống Đọi Tam hoàn chỉnh chờ được đưa ra thị trường.
|
Ông Trần Kim Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết: “Để phát huy và giữ vững làng nghề trống Đọi Tam, hiện nay xã Tiên Sơn rất quan tâm và có các chính sách như vay vốn hỗ trợ các hộ mở rộng kinh doanh, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ giúp lưu thông hàng hóa và có quy hoạch 10.000 hecta để khoanh vùng sản xuất tập trung nhằm bảo tồn nghề truyền thống".
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, với những giá trị văn hóa đặc sắc, làng trống Đọi Tam đang trên đà phục hồi và phát triển. Các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như chùa Long Đọi Sơn và lễ hội Tịch điền, cũng là một trong những lợi thế để quảng bá làng nghề truyền thống, thu hút khách du lịch đến với Đọi Tam.
Trải qua bao thế hệ, nghề làm trống của làng Đọi Tam vẫn được gìn giữ, phát triển và tạo nên thương hiệu âm sắc đặc trưng chỉ có ở nơi đây. Âm vang của tiếng trống Đọi Tam, biểu tượng văn hóa lâu đời, ngày càng lan tỏa rộng khắp, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Bài và ảnh: QUỲNH ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.