Ông Lương và anh Lai ghép tang trống

Từ bao đời nay cả làng Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam) làm trống, nghề làm trống cha truyền con nối đã giúp cho làng Đọi Tam trở nên nổi tiếng. Trống Đọi Tam đã có mặt khắp mọi nơi, góp phần giữ gìn và làm đẹp thêm văn hóa truyền thống ngàn năm của dân tộc. Từ năm 2006, trống và mặt hàng thùng gỗ đựng rượu vang của Đọi Tam đã bắt đầu lên đường ra thế giới.

Đến thăm làng Đọi Tam, ngay đầu đường vào làng là nhà vợ chồng anh Phạm Trí Trọng, thợ giỏi có tiếng nhất nhì của làng nghề. Trước cửa hàng nhà anh bày mẫu hàng chục các loại kiểu, hình trống to nhỏ (to cao 1,2m, mặt 80cm, nhỏ cao 20cm, mặt 20-40cm), trong nhà xếp hàng chồng trống đã làm xong cho khách. Anh Trọng kể chuyện: "Tôi học nghề làm trống từ năm lên 6 tuổi, từ nhỏ nghe kể lại ông bố tôi đi bộ đội hy sinh ở mặt trận, tôi được gia đình gửi đi ở nhờ và học nghề trống tại một gia đình nghệ nhân trong làng. Tôi chịu khó, ham học nghề, được cụ chủ nhà tin tưởng, gả cô con gái đẹp nhất cho tôi để giữ nghề làm trống. Đấy là phần thưởng lớn nhất và vô giá cho cuộc đời tôi. Hiện nay vợ chồng tôi mở cửa hàng bán và giới thiệu trống ngay tại mặt đường quốc lộ 1A này. Năm ngoái làng tôi có 4 người được tỉnh Hà Nam tặng danh hiệu thợ làng nghề thủ công giỏi nhất tỉnh, là anh Khang, anh Hùng (thợ làm trống), anh Quang (thợ thuộc da trâu bò) và tôi. Nghề làm trống ngoài đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của thợ cả, còn phải có kinh nghiệm nghề lâu năm và có chút bí quyết gia truyền. Gỗ dùng để làm trống duy nhất là gỗ mít, vì gỗ mít mềm, nhẹ, thớ gỗ xoắn, ít bị cong vênh, đóng đinh tre được. Da để bịt trống thường dùng là da trâu hoặc da bò tùy theo yêu cầu của khách…".

Anh Trọng cho biết công việc làm trống của gia đình anh cũng bận rộn cả năm. Anh vừa giao hàng 49 chiếc trống khổ lớn cho lễ hội kỷ niệm Lê Hoàn thập đạo tướng quân (mặt 1,5m, cao 1,75m), giao tiếp một dàn trống gồm 22 chiếc (làm riêng cho làng Nam Kinh, tỉnh Thanh Hóa). Anh cũng vừa bán một số lượng trống lớn cho khách hàng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thụy Điển.

Trong làng Đọi Tam, gỗ mít được xẻ thành dăm (dùng để ghép tang trống) được xếp thành từng đống lớn, để trước hiên nhà. Ông Đinh Văn Lương-trưởng thôn Đọi Tam cho biết: "Hiện nay làng có 546 hộ, có đến hơn 80% hộ làm nghề trống, có đình làng thờ hai cụ tổ nghề trống là cụ Nguyễn Đức Lang và cụ Nguyễn Đức Lạc, có cách đây gần chục thế kỷ. Đọi Tam hiện còn hai cụ nghệ nhân cao tuổi là cụ Phạm Văn Hồng-83 tuổi, cụ Phạm Văn Tất-76 tuổi, thợ giỏi của làng thì nhiều lắm. Lễ hội trống làng Đọi Tam được tổ chức vào ngày mùng 7 Tết. Sáng thưởng thức bánh dầy, chè kho, chiều thi làm trống. Hội làng tổ chức thi xẻ gỗ, làm khí, bào ghép, bưng bịt thành quả trống, thợ nào đoạt danh hiệu giỏi nhất sẽ được làng trọng thưởng, thợ trẻ đoạt giải cao sẽ có tên tuổi trong làng, đặc biệt sẽ được các cô gái làng biết tên, để ý… Làng tôi cũng đã thành lập một dàn trống với 48 quả trống, chiếc to nhất mặt 1,80m, cao 1m, trong đó có 12 chiếc trống cám, 12 chiếc trống nhỡ, 12 chiếc trống bản, 1 dàn thanh la, não bạt. Ông trưởng thôn hồ hởi kể tiếp:

- Dàn trống làng tôi oai nhất tỉnh Hà Nam. Các lễ hội liên hoan của tỉnh, của huyện, đại hội Cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên tỉnh, huyện đều mời dàn trống làng Đọi Tam đến biểu diễn chương trình khai mạc. Thanh niên nam nữ được tuyển chọn vào đội trống làng, thứ nhất là phải người làng Đọi Tam, nữ phải là con gái lấy chồng làng Đọi Tam, nếu là con gái của làng thì không được chọn vào dàn trống, vì nếu tuyển vào mai mốt cô ấy đi lấy chồng ở làng bên, thì sẽ thiếu một chỗ trong dàn trống, không thể được… Sang năm tới làng tôi dự định sẽ nâng dàn trống làng lên 120 quả trống".

Anh thợ giỏi làng Đọi Tam Trần Văn Lai (41 tuổi) đang ngồi bào ghép tang trống (dựng thành khung trống) góp chuyện: "Nhà tôi có 3 anh em trai, tôi, em tôi Trần Văn Sáng (39 tuổi) và Trần Văn Trám (36 tuổi) đều làm trống ngay tại nhà. Công việc bận rộn cả ngày. Ngày trước tôi cũng đi làm thuê cho các chủ trống ở tận Hà Nội, cơm nuôi 3 bữa và trả công rất cao, nhưng cũng không thích bằng mình về nhà, tự mở xưởng sản xuất, tự ký hợp đồng, thu nhập cao hơn hẳn. Thời gian mình đi làm thuê đã được quen biết nhiều mối rồi (anh nở nụ cười sảng khoái và tự tin). Ngoài nhận làm trống lớn, nhỏ ra tôi vừa nhận hợp đồng làm 1.000 chiếc thùng đựng rượu hình trống (mặt 25 đến 30cm, cao 40cm), làm ghép bằng gỗ mít y như làm trống, nhưng dùng để đựng rượu vang, rượu nho, đựng bia cho Công ty Liên doanh với nước ngoài. Tôi và anh Trọng nhà đầu làng là trong nhóm 10 thợ giỏi làng Đọi Tam, được vinh dự làm chiếc trống Sấm to nhất, lớn nhất (mặt 2,1m, cao gần 3m) hiện được treo tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội từ đợt kỷ niệm lễ hội chào mừng 995 năm Thăng Long-Hà Nội. Tôi không biết nhạc, nhưng tay nghề của tôi có thể làm được 8 quả trống có tiếng vang từ thấp đến cao…".

Ngoài làng Đọi Tam làm trống ra, ở nhiều vùng khác như ở Ý Yên (Nam Định), Hàng Nón, Hàng Trống (Hà Nội), Hà Tây, Yên Bái, Huế, Đà Nẵng đến tận TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long Xuyên… cũng làm trống, nhưng do người làng Đọi Tam, hoặc gốc làng Đọi Tam di cư đến mở cửa hàng, hoặc mở xưởng làm trống… Dân làng Đọi Tam vẫn luôn tự hào nói với nhau rằng "chỉ có trống làng Đọi Tam là làm đẹp nhất, tiếng đánh vang nhất và nổi tiếng nhất".

Bài và ảnh: Vinh Hiển