Tò he là đồ chơi dân gian được trẻ em rất yêu thích vì màu sắc bắt mắt, hình thù ngộ nghĩnh và có thể ăn được. Nguyên liệu chính để làm tò he chính là bột gạo tẻ trộn lẫn gạo nếp theo tỷ lệ nhất định rồi đem say nhuyễn, gạn nước trong mang hấp chín để tạo ra thứ bột vừa dẻo dai vừa mịn bóng. Nghệ nhân Đặng Văn Hạ, 88 tuổi, chia sẻ: “Công đoạn cầu kỳ nhất chính là pha màu cho bột. Màu của bột nguyên bản được lấy từ thiên nhiên. Màu đỏ được làm từ gấc, màu vàng làm bằng nghệ, màu xanh từ nước lá rong giềng, màu đen bằng nước cây nhọ nồi. Từ các màu cơ bản trên, người nặn lại tiếp tục kết hợp tạo ra nhiều màu mới sinh động, hấp dẫn”.  

Nghệ nhân Đặng Văn Hạ tạo ra nhiều sản phẩm tò he hấp dẫn phục vụ du khách.

Những cục bột đa màu sắc muốn “có hồn” phải nhờ vào bàn tay tài hoa của người thợ nặn. Từ những viên bột ban đầu kết hợp với mảnh sáp ong chống dính, chỉ sau vài phút, người làm đã khéo léo tạo ra rất nhiều hình người, con giống, hoa quả, đồ vật sinh động. Bên cạnh những hình tượng truyền thống như bông hoa, con rồng, con gà, múa sư tử thì hiện nay người thợ còn nặn cả siêu nhân, pikachu, doraemon… Điều thú vị là các sản phẩm được hoàn thành nhanh chóng đáp ứng kịp thời yêu cầu, sở thích của các em nhỏ. Đã có thâm niên 16 năm đi nặn tò he ở các lễ hội, anh Nguyễn Văn Tiên cho biết: “Để tạo ra một sản phẩm tò he hấp dẫn đòi hỏi người làm phải có trí tưởng tượng phong phú. Người thợ nặn vừa phải biết tạo hình vừa phải biết cách phối màu hài hòa, phù hợp với tâm lý sở thích của các em thiếu nhi. Nhiều nhân vật, hình ảnh chỉ xuất hiện trên truyện tranh, phim ảnh nhưng khi được tạo hình, trang điểm bỗng trở nên ngộ nghĩnh, đáng yêu hơn. Mỗi sản phẩm làm ra được các em hào hứng đón nhận thì niềm vui của người nặn tò he như được nhân lên”.

Tò he Xuân La không chỉ xuất hiện trong các lễ hội truyền thống mà còn có mặt ở các sự kiện văn hóa, hội chợ, trường học, khu đô thị… Vào những dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhiều trường mầm non, trường tiểu học muốn cho học sinh được trải nghiệm trong không gian Tết truyền thống đã mời nghệ nhân của làng Xuân La đến giới thiệu và hướng dẫn cách làm. Các em rất hứng thú với các sản phẩm do chính tay mình làm ra, coi đó là những món quà kỷ niệm rất ý nghĩa. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng có nhiều biện pháp tích cực nhằm lưu giữ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Văn Tướng, Trưởng thôn Xuân La cho biết: “Hiện tại, địa phương đã thành lập Câu lạc bộ làng nghề nặn tò he truyền thống để quảng bá sản phẩm tới nhiều đối tượng khác nhau, như: Khách quốc tế, khách du lịch, trẻ em… Câu lạc bộ liên hệ với ban tổ chức những lễ hội, sự kiện để các nghệ nhân, thợ nặn có thêm nhiều cơ hội biểu diễn, phục vụ du khách khi đi du xuân, trẩy hội. Đây cũng là cách người dân Xuân La “kéo” thiếu nhi trở lại với đồ chơi dân gian, đồng thời có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống và duy trì làng nghề”.

Bài và ảnh: DUY NAM-THẾ CẦU