Giữa bến nước, dòng sông, những ngôi nhà vườn cổ kính, nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi… lòng người dịu lại, cung đàn xưa vọng âm khiến du khách chênh chao nỗi nhớ…
Về Phước Tích xem làm gốm
Từ ngã ba chợ Mỹ Chánh nằm trên Quốc lộ 1A, men theo con đường tỉnh lộ 49 chưa đầy cây số, bạn sẽ đến với Phước Tích, một ngôi làng nhỏ (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), nằm giữa những nhánh chảy của dòng Ô Lâu trong xanh, mà người ta thường gọi bằng cái tên bình dị: làng Nổi. Theo sử sách, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông, có diện tích khoảng 49ha. Nơi đây, từ bao đời nay, nổi tiếng với nghề làm gốm.
Theo lời kể của những già làng, nghề gốm ở làng Nổi tính đến nay đã có trên 500 năm. Người ta thấy những dụng cụ và sản phẩm để lại mang hình thái của người Chiêm Thành như những hoa văn còn in đậm theo nhiều kiểu dáng. Điều đó chứng tỏ người Chiêm Thành đã làm nghề gốm trên đất Phước Tích xưa khi lập làng. Ngài khai canh của làng đã tiếp thu và phát triển thành một làng nghề.
 |
Lò nung gốm Phước Tích.
|
Theo thời gian, nghề gốm Phước Tích trải qua bao thăng trầm. Ngày trước, làm gốm được xem là nghề chính của bà con nơi đây. 5 đến 7 gia đình họp lại với nhau thành 1 lò. Vật liệu chủ yếu là đất sét và củi đốt. Lúc bấy giờ, công cụ sản xuất rất thô sơ, sàn nhà là bãi phơi, nhà ở là kho chứa. Cả làng có khoảng 10 lò đặt dọc quanh nhánh sông Ô Lâu bao quanh làng. Sản phẩm làm ra bao gồm lu, chậu, om ngự… được tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Rồi chiến tranh chống Pháp, nhân dân ly tán khắp nơi, nghề gốm lênh đênh.
Sau năm 1975, nhân dân trong làng họp bàn và quyết tâm khôi phục lại các lò gốm. Cả làng đã xây dựng 1 lò cốc, lò thanh sản xuất các đồ dùng trong gia đình. Đây là giai đoạn thịnh hành nhất của nghề gốm Phước Tích. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Nghề gốm phát triển, trước yêu cầu của xã viên, huyện Hương Điền đã cho thành lập hợp tác xã, lấy tên là hợp tác xã gốm Phước Tích do ông Hoàng Minh Lương chủ nhiệm. Hệ thống lò được tập trung xây dựng lại trên một bãi rộng nằm bên ờ sông Ô Lâu, với 30 xã viên. Lúc này, sản phẩm có thêm nhiều mẫu mới, có cả gốm thô sơ và gốm tráng men… Rồi, sau năm 1987, dù đã cố gắng, song nghề gốm không thể cạnh tranh được với các mặt hàng mới, hợp tác xã gốm phải giải thể.
Theo dòng người tham gia lễ hội Hương xưa làng cổ tại Phước Tích, để tìm lại hơi ấm của nghề dân gian truyền thống, trên con đường lát gạch, men theo dòng Ô Lâu, chúng tôi đến thăm lò gốm năm xưa. Trải qua bao năm tháng, hệ thống lò nung vẫn còn đó, mang nét trầm tích của thời gian. Bên cạnh lò nung, nhà trưng bày sản phẩm gốm thu hút nhiều khách tham quan. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng những đồ dùng gốm, tận mắt nhìn thấy chủ lò gốm còn lại duy nhất trong làng là anh Lương Thanh Hiền sản xuất và giới thiệu nghề làm gốm. Những bộ ấm đất xinh xắn, những chiếc bình hoa, những cái om tinh tế… in màu thời gian như đưa du khách trở về không gian xưa cũ để lại càng trân trọng hơn một nghề truyền thống nơi quê nhà…
 |
Một góc trưng bày sản phẩm gốm.
|
Về Phước Tích là về với nét xưa làng Việt
Làng Phước Tích hiền hòa được dòng Ô Lâu bao quanh thơ mộng. Các hộ gia đình của làng sống trong những ngôi nhà có vườn cây xanh rợp bóng mát. Đến Phước Tích, thong dong dưới con đường làng và các ngõ xóm lát gạch sạch sẽ, khang trang nghe mát rượi lòng bàn chân. Làng quê mang nét đẹp thanh bình, yên ả. Nơi đây có những gốc cây già hàng trăm năm tuổi; 12 bến nước dọc quanh Ô Lâu tượng trưng cho 12 dòng họ đầu tiên đến khai canh nơi miền quê này.
Về Phước Tích, hóng ngọn gió mát từ dòng Ô Lâu, du khách có thể dạo chơi trên những con đò chậm trôi trên một khúc sông để hòa mình vào bãi bờ xanh tươi dọc đôi bờ. Đình làng, những những nhà thờ dòng họ đỏ mái ngói rêu phong có kiến trúc xưa cũ. Những hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng dẫn lối vào sân…
Đến hẹn lại lên, 2 năm một lần, lễ hội Hương xưa làng cổ được tổ chức tại Phước Tích thu hút du khách muôn nơi. Đến với Hương xưa làng cổ là sự trở về với tất cả nét sinh hoạt, bản sắc của làng quê Việt trong lành, nguyên sơ. Mở đầu là lễ tế Kỳ Phước tại đình làng. Lễ Kỳ Phước là dịp để người dân trong làng tưởng nhớ ngài khai canh làng và cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân làng Phước Tích sung túc, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, cầu mong con cháu gần xa, dân làng đều mạnh khỏe, bình yên, làm ăn phát đạt. Tính độc đáo của lễ tế Kỳ Phước là hoạt động rước ngài khai canh làng tại Miếu Đôi mới về đình làng Phước Tích. Việc rước ngài khai canh để báo cho dân làng, cũng như thể hiện lòng biết ơn của người dân về công lao của những người khai canh, lập làng Phước Tích.
 |
Nét thanh bình ở làng quê Phước Tích |
Sau lễ tế diễn ra tại đình làng là các hoạt động thu hút du khách. Du khách có dịp trải nghiệm với lễ hội đua thuyền trên sông Ô Lâu, thưởng thức các món ăn dân dã của quê hương; tham gia vào các trò chơi dân gian như kéo co, bắt vịt, bịt mắt đập om, nhảy bao bố… Lễ hội Hương xưa làng cổ thường diễn ra vào mùa hè. Đây là dịp để không ít du khách là học sinh, sinh viên có dịp hòa mình, trải nghiệm với những nét sinh hoạt của làng quê Việt, sống trong không gian nhà vườn, sân đình, bến nước, dòng sông, nhà rường…
Du khách đi dạo tham quan và mua các đặc sản trong phiên chợ Hương xưa làng cổ; được xem và cổ vũ hội thi “Làm bánh truyền thống”, “Sắp xếp mâm ngũ quả”. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống của địa phương, như bánh đúc, bánh bèo, bánh nậm, thịt nướng, bắp nướng, vả trộn...; các loại chè như chè sen, chè thập cẩm...; các thức đồ uống và nước giải khát như nước atiso, hoa đậu biếc, sấu... Vào sâu trong các con đường của xóm, du khách lắng hồn mình trong những gian nhà rường cổ, các điểm di tích uy nghiêm mang dấu tích của một thời khai canh, lập làng.
Đúng như ý nghĩa tên gọi của làng (Phước Tích – mong muốn người dân sẽ tích được nhiều phúc đức để lại cho đời sau), qua bao thế kỷ, các thế hệ dân làng đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chăm chỉ, miệt mài trong lao động, sản xuất, phấn đấu trên con đường công danh, sự nghiệp… 90 hộ dân ở Phước Tích hôm nay góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của một ngôi làng bên dòng Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng.
Bên bến sông của làng, ông Hồ Văn Tư, 82 tuổi, từ tốn kể cho tôi nghe về nghề gốm, về những ngôi nhà vườn, về chuyện làm ăn, sinh sống của dân làng. Nụ cười hiền từ, giọng nói ấm áp, chứa đựng bao niềm tự hào, trân quý của ông Tư khi nói về truyền thống tốt đẹp của làng. Ông kể: “Từ ngày nghề gốm không còn hưng thịnh, người dân Phước Tích chuyển sang làm nhiều nghề khác nhau. Đặc biệt các thế hệ con em trong làng luôn học hành chăm chỉ, thành danh nhiều nơi nhưng luôn nhớ về làng”.
Ngoài vẻ đẹp cổ kính, mang nét nguyên sơ của một làng quê Việt, Phước Tích còn được biết đến là một ngôi làng với mệnh danh “Làng giáo viên”. Làng chưa đến 100 hộ gia đình nhưng lại có hơn 300 người làm nghề giáo dạy học khắp mọi miền đất nước. Nhiều gia đình có 3 thế hệ đi dạy, có từ 4 đến 6 người làm nghề giáo. Đó là gia đình ông Lê Trọng Đào, ông Nguyễn Duy Hòa, ông Lê Trọng Diễn…
Đất và người bình dị, hiền hòa mà cất giữ bao ân tình của một làng quê đặc trưng văn hóa Việt. Một vòng quanh Phước Tích để càng trân trọng hơn những trầm tích văn hóa kết tinh bao thời đại làm nên linh hồn quê hương, dân tộc.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN TOẢN