Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay, làng gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đặc biệt là những tri thức dân gian làng nghề.
Độc đáo dòng gốm tiến vua
Nghề đôộc (nghề làm gốm đất nung)-Kẻ Đôộc đã ghi dấu trong câu ca dân gian xứ Huế: “Ba Phủ chính Chu/ Không khỏi cái lu cái đôộc”.
Phước Tích cũng như bao làng gốm cổ truyền khác ở Bắc-Trung Bộ có địa thế giao thương thuận lợi, vừa gần sông (sông Ô Lâu), vừa có nguồn nguyên liệu (củi đun, đất sét) để khai thác, thu mua quanh vùng, nên sớm trở thành một trung tâm sản xuất gốm đất nung nổi tiếng, cung cấp sản phẩm cho Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận. Đôộc là tên của một loại sản phẩm đặc trưng của làng gốm Phước Tích, trong tâm thức người dân xứ Huế, tên làng và tên gọi sản phẩm gốm của ngôi làng này đã sớm hòa vào nhau.
Vào khoảng thế kỷ XV, một số người di cư từ Nghệ An đến Phước Tích lập làng, đem theo nghề làm gốm đến nơi đất mới. Theo chân của những người đến khai phá, nghề làm gốm đất nung nhanh chóng phát triển. Sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi bởi độ bền, bóng mịn và tinh xảo, lại được làm hoàn toàn bằng tay theo phương thức thủ công truyền thống.
Những vật dụng đất nung từ các lò gốm Phước Tích như lu, ang, vại, hũ, hông, đôộc, trình, thống, om, trách đôộc, khạp, bang, bình nước, bình vôi, siêu, ấm, bùng binh, cối, chậu hoa... đã trở thành mặt hàng được các lái buôn theo đường sông đưa đến khắp cả nước. Đội ngũ thương lái buôn bán, vận chuyển đồ gốm Phước Tích bằng ghe, bầu, thuyền trên sông Ô Lâu theo đà phát triển của làng nghề cũng tăng nhanh về số lượng, trở thành lực lượng trung gian trao đổi hàng hóa giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương khác. Họ mang gốm đến các nơi để tiêu thụ và mang về các hàng hóa lâm, thổ sản để phục vụ đời sống người dân nơi đây.
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền giai thoại về om ngự dụng-chiếc om tiến vua một thời của làng gốm Phước Tích. “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân”. Tương truyền, trong hoàng cung hằng ngày vẫn sử dụng om nồi Phước Tích để nấu cơm từ gạo de làng An Cựu dâng lên vua; hằng năm, làng Phước Tích dong thuyền chở om nồi vào tiến cung trong đại nội.
Thế kỷ XVII-XVIII là giai đoạn phát triển thịnh đạt nhất của làng nghề gốm Phước Tích khi có hơn chục lò gốm và 12 bến nước quanh làng. Những lò gốm không bao giờ tắt lửa đem đến sự giàu có và tiếng tăm cho người dân nơi đây. Sự tập trung nhiều ngôi nhà rường cổ kính, có quy mô to lớn, được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ, niên đại hơn 300 năm ở Xóm Giữa là minh chứng rõ nét cho thời kỳ hưng thịnh của Phước Tích.
 |
Khách tham quan làng cổ Phước Tích xem nghệ nhân làm gốm. Ảnh: Hương Lan. |
Bảo tồn và phát huy dòng gốm cổ, quý
Trong Bảo tàng Gốm cổ sông Hương-một bảo tàng ngoài công lập mới được thành lập vào tháng 12-2021 bên dòng Ô Lâu bởi tâm huyết bảo tồn và phát huy dòng gốm cổ nổi bật vùng Bắc-Trung Bộ của GS, TS Thái Kim Lan, hơn 5.000 hiện vật gốm cổ Phước Tích có niên đại tập trung trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII hiện đang được lưu giữ và trưng bày.
Với số lượng lớn, loại hình phong phú, đa dạng của sưu tập đồ gốm Phước Tích trong Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đã góp phần khẳng định sự phát triển của một trung tâm sản xuất quy mô lớn, thịnh đạt ở vùng lưu vực sông Hương và gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu mới cho các nhà sử học, văn hóa học nghiên cứu vùng đất này.
Từ năm 1984, GS, TS Thái Kim Lan cùng anh trai là họa sĩ Thái Nguyên Bá đã bén duyên với đồ gốm cổ Phước Tích, khi cầm trên tay chiếc bình vôi sành nhỏ xinh được bày bán dọc đường Trần Hưng Đạo. Từ đó là hành trình gần 40 năm miệt mài sưu tầm những cổ vật gốm từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể, chân xác đời sống sinh hoạt của cư dân dọc bờ sông Hương qua các thời kỳ lịch sử.
Trong Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương hiện đang trưng bày, giới thiệu với công chúng một sưu tập đồ sộ bao gồm đầy đủ các loại hình đồ gốm Phước Tích trong dòng chảy thời gian hơn 300 năm ở một không gian trang trọng nhất, với mong muốn để du khách và đặc biệt là thế hệ trẻ được trải nghiệm một không gian văn hóa mang đậm dấu ấn Huế xưa, được tận tay cầm, nắm, sờ vào hiện vật để hiểu hơn các giá trị văn hóa của cha ông.
Từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây, người Phước Tích luôn trăn trở với việc định hình sản phẩm mới, cải tiến kỹ thuật nhằm níu giữ sự tồn tại cho làng nghề. Nghệ nhân Lương Thanh Hiền cho biết, thợ gốm Phước Tích đã tiếp thu kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ, trong đó có nhiều loại hình sản phẩm được tạo hình bằng khuôn rót, nung trong lò ngửa/lò ga quy mô nhỏ như ấm trà, bình hoa, đồ gốm trang trí nội thất...
Một hướng phát triển mới gắn với du lịch cũng được mở ra cho làng nghề. Khách du lịch theo tour hoặc tự mình có thể đến thăm làng gốm, nghiên cứu và thực hành làm gốm, tham gia vào các công đoạn cho đến khi hoàn chỉnh một sản phẩm gốm đất nung dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Những sản phẩm do du khách tự tay làm sẽ được cho vào lò nung chín và trở thành kỷ niệm khó quên theo chân du khách về nước.
Là một trong bốn ngôi làng cổ của Việt Nam được công nhận là di tích quốc gia, làng cổ Phước Tích với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa, làng gốm cổ... đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Ban quản lý làng cổ Phước Tích cho biết, làng đã tạo dựng được thương hiệu qua các hội chợ, các dịp lễ, các kỳ festival, để quảng bá đến với du khách gần xa qua chuỗi hoạt động “Hương xưa làng cổ”.
Đặc biệt, Ban Quản lý làng cổ Phước Tích phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình “Học sinh về với di sản”, để các em học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu thêm nhiều về lịch sử, giá trị văn hóa dân gian. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh biết trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông.
Để tiếp tục phát huy giá trị và phát triển các loại hình du lịch ở Phước Tích, trong đó có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị làng gốm cổ bên dòng Ô Lâu, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa. Theo đó, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững và tạo sự kết nối, phát triển không gian kinh tế-văn hóa và xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để UBND huyện Phong Điền có cơ sở lập các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ, nâng tầm giá trị của làng cổ Phước Tích nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ NGUYỄN ANH THƯ