Thay đổi nhận thức, chuyển biến hành động
Đến với thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, cảm nhận đầu tiên của du khách là không khí trong lành, dễ chịu. Hệ thống đường làng ngõ xóm được bà con chung tay dọn dẹp sạch sẽ. Nhiều tuyến đường hoa, con đường bích họa do đoàn thanh niên, hội phụ nữ đăng ký tự quản. Với mong muốn xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm để du khách hòa mình vào thiên nhiên, tham gia các hoạt động tại địa phương, người dân đã ý thức trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường.
 |
Cán bộ, hội viên phụ nữ quận Long Biên thay đổi nhận thức trong ứng xử với môi trường thông qua phong trào tái chế rác thải nhựa. |
Điểm đáng quý hơn là sự thay đổi trong giao tiếp, ứng xử của người dân, thân thiện, hòa nhã với tâm thế của người phục vụ. Ông Vũ Huy Nam, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết: “Từ năm 2020, Đảng ủy, chính quyền xã định hướng xây dựng điểm du lịch thôn Lòng Hồ phát triển theo nhiều mô hình đa dạng và nhận được sự đồng thuận, cộng tác của tất cả người dân. Địa phương rất chú trọng đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về văn hóa ứng xử giao tiếp nhằm xây dựng hình ảnh con người thân thiện trong mắt khách du lịch”.
Không chỉ riêng thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn thực hiện tốt các quy tắc trong ứng xử mà nhiều cơ quan, địa phương khác trên địa bàn thị xã Sơn Tây cũng tích cực hưởng ứng với những mô hình thiết thực. Theo đó, 15 xã, phường tiếp tục triển khai mô hình quy tắc ứng xử gắn với việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua như: “Tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị”; “Tổ dân phố xanh-sạch-đẹp-văn minh”; “Phòng làm việc xanh, cơ quan không khói thuốc”... Việc triển khai thực hiện đã có sự vào cuộc nhiệt tình của các tổ chức và nhân dân trên địa bàn thị xã.
Đối với quận Bắc Từ Liêm, Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” được quan tâm, chú trọng. 100% đơn vị căn cứ kế hoạch của quận phát động thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, nâng cao năng lực, bảo đảm tính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bà Lê Thị Huyền Trang, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ: “Phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, thực hiện quy tắc ứng xử đã mang lại kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các thành phần, dần tạo sự đổi mới trong phong cách làm việc “hết việc chứ không hết giờ”, không để lỡ việc của người dân và tổ chức, tiếp tục xây dựng văn minh công sở, nếp sống văn hóa ở khu dân cư”.
Đưa việc thực hiện quy tắc ngày càng nền nếp, hiệu quả
Qua hơn 6 năm thực hiện các quy tắc ứng xử đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương-trách nhiệm-tận tình-thân thiện”. Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, cho biết: “Hai bộ quy tắc ứng xử thực sự hữu ích, giúp điều chỉnh quy định hoạt động của các cơ quan hành chính, định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc, hình thành thói quen, nếp sinh hoạt của mỗi người trong gia đình và ngoài cộng đồng, lan tỏa vào thế hệ trẻ từ trong trường học”.
 |
Tuổi trẻ huyện Thanh Oai tham gia thi tuyên truyền về thực hiện các quy tắc ứng xử trên địa bàn TP Hà Nội. |
Thông qua việc triển khai quy tắc, nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo được thực hiện. Tiêu biểu như: Huyện Đan Phượng với mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt”; huyện Gia Lâm thực hiện mô hình “Thôn, tổ dân phố an toàn-văn minh-sạch đẹp”; quận Long Biên có mô hình “Tuyến đường, tuyến phố, ngõ nở hoa”; quận Nam Từ Liêm thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, duy trì gửi “Thư xin lỗi” khi có hồ sơ giải quyết không đúng hẹn, thực hiện gửi “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”, “Thư chia buồn” để thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan đối với công việc của tổ chức, cá nhân... Nhiều tập thể, cá nhân điển hình được UBND thành phố và các cấp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng.
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các cơ quan, quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai bộ quy tắc ứng xử ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh biểu dương những việc làm tốt, các cấp cũng kịp thời chỉ ra những hành vi ứng xử còn thiếu văn hóa nơi công cộng để chấn chỉnh, khắc phục”.
Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", công tác tuyên truyền về quy tắc ứng xử được các cơ quan, đơn vị tiến hành thường xuyên, bền bỉ bằng những hình thức khác nhau. Các trường học tăng cường việc giáo dục cho học sinh về văn hóa ứng xử, lan tỏa các quy tắc đến nơi học sinh cư trú. Nhiều cuộc thi được tổ chức, thu hút giới trẻ tham gia để hướng các em giao tiếp ứng xử có chuẩn mực văn hóa. Cùng với đó, công tác kiểm tra đánh giá việc thực hiện quy tắc bảo đảm nghiêm túc, tránh phô trương, hình thức. Các địa phương kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình, những cách làm hay trong triển khai thực hiện, góp phần đưa nội dung quy tắc thấm sâu vào đời sống nhân dân.
Bài và ảnh: VŨ DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.