Sự kiện do Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức chiều 19-4.

Ngôn từ trên mạng có khả năng dìm chết người

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới… Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mang đến những tác hại không lường. Theo các chuyên gia, vì những tính năng, tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhiều người không kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình, bỏ bê công việc học tập thay vào đó là lướt web, xem phim, tham gia những hội nhóm tiêu cực. Và từ đó tạo ra những xu hướng mới như chửi bới, lăng mạ, hạ nhục người khác, dùng những từ ngữ thiếu văn hóa và những hành động thiếu suy nghĩ. Vì vậy đã dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng và những hậu quả không thể lường trước được.

leftcenterrightdel
Ông Lê Quốc Vinh chia sẻ những hậu quả của giới trẻ khi bị tấn công trên mạng.

Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros cho rằng, song song với điều tích cực mà mạng xã hội đem lại thì những ngôn từ trên mạng có khả năng dìm chết một người. Những “rác rưởi” trên mạng xã hội tưởng chỉ để vui chơi, nhưng thực ra nó đang tấn công mọi người. Chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân khi chính bản thân mình cũng bị “tấn công” trên mạng xã hội bởi những lời xúc phạm, ông Lê Quốc Vinh cho hay cơn sốc tinh thần càng ngày càng lớn với giới trẻ, bởi họ không có khả năng miễn nhiễm với những tấn công trên mạng. Hậu quả khi bị tấn công bằng ngôn từ và hình ảnh với người trẻ là rất cao.

Chia sẻ báo cáo về hậu quả của giới trẻ khi bị tấn công trên mạng, ông Lê Quốc Vinh cho biết, có khoảng 28% người nghĩ tới tự sát; 41% mắc chứng lo âu, hoảng sợ; 9% nghĩ tới sử dụng rượu bia, bỏ học, hoảng loạn trên môi trường số. “Nhiều comment chửi thẳng tông ti họ hàng, mang hình thức của nhau ra để bêu riếu. Chuyện này ở Việt Nam rất phổ biến. Những ngôn ngữ chợ búa được người sử dụng mạng đang rất thoải mái. Đã có những người bị phá hủy cuộc sống vì những thông tin sự thật trên mạng”, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ.

GS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia chia sẻ bà rất buồn theo khảo sát được công bố của Microsoft cho thấy văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta đang dần bị mai một. Điều này đã vô tình đầu độc và tiêm nhiễm cả tương lai của một thế hệ trẻ sau này. Theo GS Từ Thị Loan, nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội, còn giới trẻ là lực lượng xuất hiện đông đảo, năng động, dành nhiều thời gian tham gia không gian mạng. Nhờ sức ảnh hưởng này, họ có thể kiếm được những khoản tiền lớn từ mạng xã hội. Trên không gian mạng, nghệ sĩ có thể công bố tác phẩm của mình, đưa đến công chúng những sản phẩm sáng tạo nhanh chóng. Cùng với đó, có nhiều nghệ sĩ đã sử dụng mạng xã hội để làm công tác thiện nguyện, công tác xã hội, tuyên truyền, lan tỏa những hành động đẹp. Nhưng môi trường mạng cũng là con dao hai lưỡi. Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước.

Mọi vi phạm đều bị xử lý

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa giao Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) triển khai quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Hướng nghệ sĩ, người nổi tiếng tới những ứng xử văn minh, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh: “Tôi mong muốn tìm ra giải pháp chứ không mong cấm sóng các nghệ sĩ. Chúng tôi đang làm việc với một số bộ ngành để ra quy chế phối hợp xử lý các nghệ sĩ gây ảnh hưởng xấu. Trong xã hội nảy sinh vấn đề thì quản lý nhà nước sẽ có biện pháp để xử lý, ví dụ như không cho xuất hiện hay làm giảm ảnh hưởng của người nào đó. Cục sẽ tiếp tục có nhiều biện pháp nâng cao văn hóa ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trên không gian mạng, như phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; xây dựng hệ thống văn bản quản lý phù hợp…”.

leftcenterrightdel
Người mẫu Hạ Vy chia sẻ về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ.

Bày tỏ quan điểm của một người trong cuộc, người mẫu Hạ Vy rất ủng hộ cần đưa ra giải pháp mạnh hơn chứ không nên chung chung. “Đại diện của Facebook có ở Việt Nam, nghệ sĩ hành xử không đúng cơ quan Nhà nước có thể đề nghị Facebook đóng tài khoản của họ. Những người này có thể lập tài khoản mới, nhưng vài lần như thế thì họ sẽ phải điều chỉnh cách ứng xử của mình. Giới trẻ nhiều người sử dụng TikTok, nếu đăng clip không đúng thuần phong mỹ tục họ có thể bị yêu cầu gỡ bỏ”, người mẫu Hạ Vy bày tỏ.

Dưới góc độ người nổi tiếng, diễn viên Hàn Trang cho rằng khán giả sẽ là người phán xét công tâm nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đối với những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ. Tuy nhiên cô cũng cho rằng mạng xã hội là không gian mở, tiếp cận thông tin như thế nào tùy thuộc mỗi người. “Khi nghệ sĩ có những hành vi lệch chuẩn, không đúng thuần phong mỹ tục, tôi tin là họ sẽ bị lên án, các nhà sản xuất hay nhãn hàng sẽ quay lưng. Sai về pháp luật thì sẽ bị pháp luật xử lý. Còn theo tôi, cấm sóng thì quá nặng nề”, nữ diễn viên bày tỏ.  

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ