Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình trên địa bàn Thủ đô đã góp phần vào việc xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại.

Bí quyết vun đắp gia đình văn hóa, hạnh phúc

Tới tổ dân phố số 10, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, hỏi ông Nguyễn Đức Long, ai cũng biết. Ngoài việc đảm nhận công tác Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận của tổ dân phố, ông còn được người dân nơi đây gọi với cái tên thân thương: Ông Long lương y. Thời còn làm việc, ông công tác trong ngành y học cổ truyền, hiện ông là một sĩ quan Quân đội nghỉ hưu.

Với ông Long, làm lương y là phải luôn xứng với lời căn dặn của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền”, nên dù nghỉ hưu, ông vẫn duy trì nghề thuốc gia truyền của gia đình, khám, chữa bệnh miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn. Gia đình ông có 3 người con trai, 3 con dâu và 7 cháu nội. Con trai lớn của ông là bác sĩ chuyên khoa II, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tại Bệnh viện Phổi Trung ương; con trai thứ hai công tác tại Kho bạc Nhà nước; con trai thứ 3 là tiến sĩ toán học, hiện là Chủ tịch Hội Công nghệ cao tại châu Âu, cư trú tại Pháp.

leftcenterrightdel

 Các gia đình được tuyên dương "Gia đình truyền thống, gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu" của Thủ đô năm 2023.

Theo ông Long, gia đình là cái nôi của mỗi người từ khi cất tiếng khóc chào đời, gia đình đảm nhiệm vai trò to lớn trong việc giáo dưỡng con em, góp phần quan trọng vào sự thành công của giáo dục trong nhà trường, bởi vậy, xây dựng gia đình hiếu học là một trong những nội dung quan trọng để người dân tham gia "làm giáo dục", xây dựng dòng họ khuyến học, thôn, bản, làng, xã khuyến học ở địa phương. Giáo dục con cái trong gia đình tốt chính là góp phần vào phong trào khuyến học, khuyến tài.

Ông Long chia sẻ: “Tôi luôn nhắc nhở các con, cháu: “Học thầy không tày học bạn”, “Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”, “Học, học nữa, học mãi”. Vợ chồng tôi có 55 năm chung sống bên nhau và chúng tôi thấy rất hạnh phúc vì các con tôi đã trưởng thành, có công việc và cuộc sống ổn định; các cháu ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ”. Bí quyết này nhiều năm nay được gia đình ông lan tỏa trong tổ dân phố, tới các gia đình.

Với cương vị là bí thư chi bộ, ông Long cùng với các thành viên khác trong chi bộ, tổ dân phố đẩy mạnh các phong trào: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Chi hội Khuyến học tổ dân phố luôn đi đầu trong biểu dương, khen thưởng các cháu học sinh giỏi của quận Tây Hồ, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Nhân lên những gia đình văn hóa tiêu biểu

Gia đình ông Nguyễn Đức Long là một trong 90 gia đình được Hà Nội tuyên dương là "Gia đình truyền thống, gia đình văn hóa-hạnh phúc tiêu biểu" của Thủ đô năm 2023, nhân kỷ niệm 22 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 / 28-6-2023). Tại lễ tuyên dương do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều gia đình tiêu biểu đã chia sẻ bí quyết xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, như: Gia đình bà Trần Thị Kim Thôi, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Thịnh cùng chồng là Phó hiệu trưởng Trường THCS Sơn Lộc dạy bảo con cháu phát huy truyền thống gia đình, chăm chỉ lao động, học tập; hiện gia đình bà thuộc dòng họ gia đình trí thức của thị xã Sơn Tây, đại gia đình có 6 anh em ruột thì 8 anh, chị, em, con cháu đang công tác, phục vụ trong ngành giáo dục ở nhiều bậc học khác nhau. Gia đình bà Phạm Thị Phinh (tổ dân phố số 4, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn) có 3 thế hệ chung sống, luôn ngập tràn tình yêu thương mà theo bà Phinh, đó là hành trình của sự nêu gương, chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, nhiều năm qua, ngành văn hóa Thủ đô đã tích cực triển khai Chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc... Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Hà Nội, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. 

Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đều xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác gia đình bằng những hoạt động phong phú, thiết thực như: Tập trung công tác tuyên truyền xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, văn minh; triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và nhân rộng các mô hình tốt trong thực hiện bộ tiêu chí này dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ, dựa trên các tiêu chí cụ thể: Vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với con cháu theo nguyên tắc: Gương mẫu, yêu thương; con với cha mẹ, cháu với ông bà: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo; anh chị em trong gia đình: Hòa thuận, chia sẻ, tôn trọng.

Để thực hiện thành công mục tiêu và phát huy giá trị ý nghĩa cao đẹp của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng”, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh nhiều kế hoạch, hành động từ các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể tới nhân dân chung tay phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc, của Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Bài và ảnh: HỒNG THUẬN