Hai người kia gãi đầu, gãi tai tỏ ý không hiểu. Còn tôi bảo rằng, tớ hiểu đại khái là: Đến những người trực tiếp làm ra hạt muối mà muối cũng không mặn thì chứng tỏ anh ta không những không có “tay nghề” mà cái công việc anh ta đang thể hiện cũng không còn giá trị thực tế đối với cuộc sống.
“Hiểu như vậy không sai-cậu chuyên viên nói-nhưng chưa thấu lý lẽ. Bởi ngoài nghĩa thông thường như vậy, câu thành ngữ “làm muối không mặn” còn hàm ý khác sâu xa hơn, đó là ám chỉ những quan chức “nói nhiều, nói hay” song “làm ít, làm dở”, thậm chí “nói một đằng, làm một nẻo” nên những người là cấp dưới, nhân viên thuộc quyền của họ không “tâm phục khẩu phục".
Thế rồi, cậu chuyên viên đã nói về một trường hợp quan chức “làm muối không mặn” mà anh từng biết. Đó là một cán bộ có tài về nói năng, thuyết trình trước đám đông. Được đào tạo bài bản và “tráng men” một vài chức vụ từ cơ sở, nhờ nói năng hoạt bát, sắc sảo, anh đã lọt vào “mắt xanh” của cấp trên. Trong khi bạn bè đồng khóa không ít người lận đận trên hành trình “quan lộ” thì con đường tiến thân của anh lại nhanh như diều gặp gió. Có chức quyền, anh càng có điều kiện “trổ tài ăn nói” của mình trước mọi người. Anh thường xuyên huấn thị, yêu cầu cấp dưới phải thực hiện đúng phương châm “Nói đi đôi với làm” như nghị quyết của Đảng ta đã đề ra.
Chỉ có điều đáng tiếc, những lời anh nói “hay như chim hót” cũng không đủ sức giáo dục, thuyết phục cấp dưới vì ai cũng biết rằng, chính anh mới là người không thường xuyên “Nói đi đôi với làm”. Có nhiều ví dụ để chứng minh điều đó. Anh yêu cầu cấp dưới phải triệt để thực hành tiết kiệm điện nước ở cơ quan, nhưng trong phòng công vụ của anh, từ bàn làm việc đến nhà vệ sinh luôn sáng đèn suốt ngày đêm, máy điều hòa hai chiều luôn hoạt động hết công suất gần như 4 mùa trong năm. Anh nghiêm cấm mọi người không được uống rượu, bia trong giờ hành chính và bữa ăn trưa, nhưng thỉnh thoảng, khi vào phòng anh trình công văn và xin chữ ký, không ít cấp dưới vẫn thấy mặt anh đỏ như gấc chín và gật gà gật gù bên bàn làm việc. Anh quy định cán bộ, nhân viên cấp dưới phải chấp hành, thực hiện nghiêm túc “8 giờ vàng ngọc” ở công sở, nhưng nhiều hôm mọi người đang hăng say, miệt mài với công việc của cơ quan thì anh lại bảo cậu lái xe chở đi đánh tennis ở chỗ khác đến sẩm tối rồi về nhà luôn…
Nghe cậu chuyên viên kể xong câu chuyện, một người bạn lên tiếng:
- Không chỉ có vị cán bộ bạn vừa nêu đâu. Thực tế thời gian qua, có những “ông quan” đi bằng đôi chân trên mặt đất, nhưng tư tưởng lại lơ lửng như trên mây, trên gió. Nghĩa là, họ cứ tưởng cách nói năng, chỉ đạo của mình rất sát thực tế và ráo riết như vậy nên cấp dưới sẽ nghe và làm theo. Nhưng một khi việc làm của họ không thống nhất với những lời đã nói ra thì chẳng khác nào một “trò diễn” trên sân khấu.
Người bạn thứ hai tiếp lời:
- Tôi muốn nói thêm rằng, nếu cán bộ nào mà chỉ biết “khua môi mua mép” cho dẻo hay chỉ lấy “cái oai” do quyền chức mang lại, rồi đi huấn thị, răn dạy, chỉ đạo cấp dưới mà bản thân lại không gương mẫu “nói đi đôi với làm” thì vô hình trung họ đang tự hạ thấp phẩm chất, nhân cách, danh dự, uy tín của chính mình.
Lúc này, cậu chuyên viên nói như “chốt” lại vấn đề:
- Người dân Nam Bộ có một câu nói chất phác nhưng thực ra là chê bai, trách móc: Cán bộ nói “zậy” nhưng không làm “zậy”. Những quan chức hành xử như thế khiến người dân chỉ nghe (và nhất là cấp dưới nên bắt buộc phải nghe) chứ thực tình trong thâm tâm họ không nể, không phục. Những hạng cán bộ “làm muối không mặn” như thế thì làm sao có thể để lại “vị mặn tình yêu” cho đời và “vị mặn niềm tin” cho dân, cho nước, đúng không các bạn?
Chúng tôi nhìn nhau cười tủm tỏ ý đồng tình vì cách ví von, liên tưởng nhẹ nhàng mà tinh tế, sâu sắc của cậu chuyên viên ngành tổ chức.
PHÚC NỘI