Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 / 11-6-2016), 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2016) và triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đến dự Lễ trao giải và Chương trình giao lưu-nghệ thuật có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành với chương trình và đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT…

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Tri, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đông đảo đại biểu tham dự lễ trao giải. Ảnh: Phú Sơn.
Hơn 19 giờ, trước tiền sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội đã rất đông khách mời và quần chúng nhân dân đến dự. Mọi người đều hồi hộp và mong đợi giây phút trao giải, tôn vinh những người có hành động, việc làm rất đáng trân trọng. Anh Bùi Đức Thặng, Trưởng phòng Thiết kế, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ văn hóa Đinh Tị cho biết: “Đây là lần thứ ba, tôi được tham dự Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo QĐND tổ chức. Mỗi lần tham dự đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp. Tôi đã học được nhiều điều từ những tấm gương mà cuộc thi đã tôn vinh...”.

 

Đúng 20 giờ 30 phút, khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội bừng sáng. Liên khúc hát múa: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” sáng tác Phong Nhã; “Như hoa Hướng dương”; sáng tác Tô Vũ; “Đêm Trường Sơn nhớ Bác", sáng tác Trần Chung, với sự thể hiện của nam nữ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tạo không khí trang trọng, phấn khởi của buổi lễ trao giải và Chương trình giao lưu-nghệ thuật “Vững bước theo con đường Bác đi”.

Hưởng ứng Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7, các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước đã tích cực vào cuộc, phát hiện, tôn vinh nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, bình dị mà cao quý trong xã hội. Hàng trăm bài viết, hàng trăm gương người tốt, việc tốt được phản ánh chân thật, sinh động trên các ấn phẩm của Báo QĐND là minh chứng cho sự phát triển của phong trào thi đua yêu nước, góp phần triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Cuộc thi viết lần thứ 7 có nhiều đổi mới, tính nhân văn, chân thật của nhân vật được đề cao, nhiều tác phẩm có tính phát hiện, trong đó nhiều nhân vật là cán bộ, đảng viên là “công bộc” của dân, miệng nói tay làm. Điều đặc biệt, trong số các tác giả đoạt giải cao của cuộc thi năm nay có nhiều tác giả là các cây bút không chuyên. Họ là những cán bộ, công nhân viên, người dân gắn bó với cơ sở, thôn xóm, tổ dân phố, lăn lộn với cuộc sống, từ đó phát hiện những tấm gương tiêu biểu, những người thật, việc thật để phản ánh một cách chân thực qua tác phẩm của mình...

 Các đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam trao giải nhì tặng các tác giả. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy.  

Ban giám khảo đã làm việc công tâm, khách quan; qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, đã lựa chọn được 15 tác phẩm xuất sắc nhất trong số gần 120 tác phẩm được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND và Báo QĐND điện tử, để Ban tổ chức quyết định trao giải. Giải nhất Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7 thuộc về tác phẩm “Cây sáng kiến”-Bí thư chi bộ nói và làm” của tác giả Nguyễn Đức Chính (cán bộ Văn phòng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn). Ban tổ chức cũng trao 2 giải nhì, 3 giải ba và 9 giải khuyến khích cho các tác phẩm khác.

Quá trình tổ chức cuộc thi, đã có nhiều đơn vị, cá nhân đồng hành. Đặc biệt, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam- một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đã đồng hành với cuộc thi 5 lần. Đồng chí Nguyễn Hữu Hải, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty PTSC cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với cuộc thi viết để cổ vũ, nhân lên nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Nhà xuất bản QĐND, sau mỗi cuộc thi đều lựa chọn các tác phẩm có chất lượng tốt in thành tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phát hành trong toàn quân, toàn quốc...

Trong không gian trang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả hồi hộp dõi theo Ban tổ chức công bố giải thưởng cuộc thi. Đồng chí Võ Văn Thưởng đã trao giải nhất và chúc mừng tác giả Nguyễn Đức Chính. Trong tác phẩm “Cây sáng kiến-Bí thư chi bộ nói và làm”, tác giả kể lại câu chuyện thật bình dị về người đồng nghiệp của mình, đó là anh Phan Đông Hải, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Quản lý cảng biển, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Anh có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị, rút ngắn thời gian vận hành thiết bị, nâng cao năng suất lao động, làm lợi cho đơn vị nhiều tỷ đồng. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND trao giải nhất và tặng hoa tác giả đoạt giải. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy. 
Cán bộ, đảng viên nêu gương sáng

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình bị mà cao quý” lần thứ 7 đã phát hiện nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong công tác, ở nhiều lĩnh vực. Tính cách, phẩm chất chung của họ là “miệng nói, tay làm”, biến chủ trương đường lối của Đảng thành hành động cụ thể. Ở họ đều có chung một suy nghĩ: Muốn cho dân hiểu, dân tin thì mình phải gương mẫu thực hiện, đưa ra cách làm hay, sáng kiến tốt, dám chấp nhận, đương đầu với gian khó...

 Các tấm gương bình dị mà cao quý tham gia giao lưu. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy. 
Tham gia giao lưu tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, khẳng định: Dù làm gì, giữ cương vị nào, khi đã là cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu trong mọi nhiệm vụ; người đứng đầu phải “truyền lửa” nhiệt huyết cho cán bộ, nhân viên; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn đặt lợi ích của nhân dân, của cộng đồng trên hết.

Biết về những công việc mà Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đã làm trong thời gian qua, nhiều người hết sức cảm phục trước một vị tổng giám đốc luôn gần gũi gắn bó với bà con nông dân. Ông vui với cái vui của bà con, lo nỗi lo của người nông dân. Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng nhiều người vẫn thường thấy ông Thòn lặn lội khắp các vùng quê, sang cả nước bạn để triển khai những dự án mới. Dũng cảm, tiên phong và ... “liều” là những từ được nhiều người nói về ông. Song quan trọng hơn cả, là những người đón đầu cái mới như ông Thòn luôn ấp ủ những mong muốn lớn hơn cho nông dân và đối với cán bộ, nhân viên của mình.

Chị Hoàng Thị Kim Dung, nguyên Phó trưởng khoa Sức khỏe sa sút và các bệnh nội-ngoại khoa, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan, Ninh Bình bước lên sân khấu tham gia giao lưu với gương mặt cương trực, nhưng đôn hậu và đậm tình người. Chị Dung từng là một nữ quân nhân thuộc Sư đoàn 432, Quân khu 3. Năm 1983, chị chuyển ngành về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan. 32 năm công tác, ngoài trách nhiệm của một người cán bộ đảng viên, chị còn dành tình yêu thương cho đồng đội-những người lính đã một thời xông pha nơi lửa đạn, nhưng giờ đây có khi cái tên của mình cũng không nhớ được... Chị Dung tâm sự: “Những đồng chí đồng đội, tôi luôn coi như anh em ruột thịt, từ đó tận tụy chăm sóc, giúp đỡ. Hơn nữa, tôi là một cán bộ, đảng viên, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào tôi đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công việc được phân công...”.

Cảm phục trước những tấm gương bình dị mà cao quý, ngay sau khi tham gia  giao lưu, gặp gỡ các nhân vật được phản ánh qua cuộc thi, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đã quyết định tặng 5 tấn gạo tới Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan và lớp học của “Mẹ Côi”, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Số quà này sẽ được Tập đoàn Lộc Trời và Ban tổ chức chương trình chuyển đến hai đơn vị trong thời gian sớm nhất.

Trách nhiệm công dân với Đảng, với cộng đồng

Bình dị trong lời nói, mẫu mực trong việc làm chính là tính cách của nhiều nhân vật trong Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm nay. Dù là ai, ở đâu, làm việc gì, họ đều thể hiện rõ trách nhiệm của người công dân với Đảng, với cộng đồng và trên hết là tình yêu quê hương đất nước theo cách của riêng mình.

Nhiều người rất cảm phục trước một nữ nhân viên hàng chục lần nhặt được tài sản mà hành khách bỏ quên, trả lại cho chủ nhân. Đó là chị là Bùi Thị Huyên, nhân viên Đội xe đẩy, Trung tâm khai thác ga, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Trò chuyện trong chương trình giao lưu, chị Huyên tâm sự: “Khi nhặt được của rơi, tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh người đánh mất, bởi khi ai đó đánh mất thứ gì, dù nhỏ, hay lớn đều rất buồn. Hơn nữa, tôi là nhân viên làm trong ngành hàng không, thường xuyên tiếp xúc với hành khách trong và ngoài nước, nơi đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ năng, kỷ luật công tác và phẩm chất đạo đức của cán bộ, nhân viên. Vì vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, dù nhặt được bất kỳ tài sản, giấy tờ gì, tôi báo cơ quan chức năng để xác minh thông tin, trả lại sớm nhất cho người đánh mất”.

Bốn năm sau tai nạn xảy ra, chị Phạn Thị Lệ đã đến Báo QĐND nhờ tìm lại ân nhân của mình. Khi thông tin với Báo QĐND, chị Lệ chỉ nhớ, người cứu mình là một anh bộ đội, khi ấy, anh không để lại tên hay một dòng địa chỉ... Và thật bất ngờ, ân nhân đó là Trung tá Đào Phú Đồng (công tác tại Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng)-nhân vật trong tác phẩm “Chuyện anh bộ đội cứu người như trong cổ tích” của tác giả Đỗ Phú Thọ. Ở thời điểm chị Lệ bị thương vì tai nạn giao thông, anh Đồng cũng đang mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Trên đường đi tìm thầy thuốc để chữa bệnh, thấy người bị nạn đang tuyệt vọng, anh không toan tính mà nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tất cả số tiền mang đi mua thuốc, anh Đồng dành thanh toán viện phí cho người bị nạn. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, anh mới trở về đơn vị tiếp tục công việc của mình... Tâm sự trong chương trình giao lưu, anh Đồng chia sẻ: “Chuyện tôi cứu người là lẽ bình thường. Đức Phật đã dạy rằng, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Quân đội cũng luôn dạy tôi là phải kính trọng, lễ phép, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân. Vì thế, sau khi cứu cháu Lệ, tôi cũng không báo cáo với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, mà coi đây là việc làm bình thường, là tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ...”.

Còn nhiều tấm gương với những hành động đẹp khác đã khắc họa nên bản chất truyền thống “Thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Đó là anh Nguyễn Văn Cường, một Việt kiều tại CHLB Đức, dù cuộc sống còn nhiều lo toan, nhưng trách nhiệm và tình cảm với Tổ quốc luôn thôi thúc anh hành động kết nối những tấm lòng vì biển, đảo. Anh có 5 căn hộ mi-ni tại Hà Nội, nếu cho thuê gia đình anh cũng thu được gần 20 triệu đồng một tháng, nhưng trong suốt 5 năm qua, anh đã dành để đón hàng chục lượt con cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đang học tập tại Hà Nội. Hay như một bà giáo già có tên gọi “Mẹ Côi” ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, năm nay mẹ đã bước sang tuổi 74, nhưng hơn 20 năm qua luôn gắn bó với lớp học, âm thầm dạy dỗ, vun đắp những ước mơ cho hàng trăm đứa trẻ bị thiệt thòi. Lớp học của mẹ thật đặc biệt vì trong lớp có nhiều thành phần học sinh khác nhau. Từ học sinh khuyết tật, cá biệt, cho đến em trầm cảm, thiểu năng, có em 7, 8 tuổi, nhưng cũng có em đã hơn 20 tuổi. Ở đây các em được dạy đọc, dạy viết và làm toán, điều quan trọng hơn là các em được dạy kỹ năng sống. Niềm vui của mẹ lớn lên mỗi ngày, làm mẹ khỏe thêm khi các con của mẹ khôn lớn, trưởng thành.

Hàng nghìn tấm gương người tốt, việc tốt vẫn diễn ra xung quanh chúng ta mỗi ngày. Với họ, hạnh phúc là được cho đi, được sẻ chia, được cống hiến cho xã hội. Và đó chính là những đóng góp thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Đúng như chia sẻ của Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc thi: Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” chính là việc học tập, kế thừa nghệ thuật, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng tài tình của Bác Hồ, góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”, làm cho “cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”, như Bác hằng mong muốn. Các tấm gương được các tác giả phản ánh một cách chân thực, xúc động và đầy thuyết phục đã góp phần tăng thêm niềm tự hào về truyền thống, khả năng sáng tạo và nghị lực bền bỉ của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam.

Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vững bước theo con đường Bác đi” đã khép lại trong niềm hân hoan, phấn khởi và sự đón nhận nồng nhiệt của các tầng lớp nhân dân tại khán phòng và qua truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Đây cũng là dịp góp phần làm cho cuộc thi thêm lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, thúc đẩy phong trào Thi đua yêu nước, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

TRỊNH DŨNG