Ký ức Hà Nội là một cuộc triển lãm nhiều cảm xúc dành cho những ai từng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất kinh kỳ này. Bên cạnh đó, công chúng đến với triển lãm được gặp lại những hình ảnh gợi nhớ một thời Hà Nội bình yên, nghèo nhưng rất đẹp. Đó có thể là những khu nhà tập thể hình tổ ong, là quán phở phố cổ người mua phải xếp hàng, là cửa hàng mậu dịch, là bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá, chai rượu chanh…
 |
Một bài hát về Hà Nội trong không gian sự kiện. |
Những hình ảnh ấy được thể hiện trên những bức tranh, hoặc được sắp đặt tại Ngon Garden để khán giả có thể trực tiếp cảm nhận như ấm trà vối nóng kèm kẹo lạc, những món ăn chơi như kẹo dồi, mứt me, mứt bí, mứt gừng… thậm chí là món cơm độn sắn, món lòng xào dưa chua,… những thứ rất quen thuộc với Hà Nội thời bao cấp. Tất cả đều là những món ăn, những hình ảnh tưởng quen thuộc nhưng mang tới một trải nghiệm mới mẻ.
Chia sẻ cảm xúc của mình về cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một cư dân chung cư cũ của Hà Nội cho rằng: “Cuốn sách là một ý tưởng độc đáo. Ý tưởng này đã biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường. Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ.
Và rồi, cuộc cách mạng đô thị đã và đang xóa đi tất cả những chung cư như thế. Hầu hết những người đã sống trong những chung cư ấy giờ đã có một nơi ở mới với những biệt thự sang trọng, với những chung cư hiện đại và cao cấp. Tưởng rằng như vậy thì những chung cư xưa sẽ được chôn vùi vào quá khứ mãi mãi. Nhưng đến một ngày, trong những trang viết và những bức tranh, tất cả những chung cư thở ấy lại mọc lên, mọc lên trong một tinh thần khác và một ánh sáng khác".
Tin, ảnh: LAN DỊU